Toàn cảnh buổi giám sát
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, đại diện lãnh đạo Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các thành viên Đoàn Giám sát.
Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2021, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục là một trong những yêu cầu quan trọng trong quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định việc xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, Bộ đã tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục và đào tạo. Cụ thể, rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản đã ban hành hoặc xây dựng mới cho phù hợp với quy định của Luật và thực tiễn thi hành nhằm đảm bảo thống nhất và đồng bộ để văn bản đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngành.
Theo đó, trong giai đoạn từ 01/01/2016 đến hết tháng 11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và trực tiếp ban hành tổng số 234 văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật ban hành có liên quan đến công tác dân tộc, giai đoạn 2016-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các chính sách phát triển giáo dục đào tạo có liên quan đến công tác dân tộc.
Đối với các văn bản ban hành để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV nêu rõ: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương và Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, giải quyết việc làm tại địa phương cho sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi là người dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số”. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Bộ đã rà soát chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số. Thực hiện Luật Giáo dục được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành 06 Thông tư, 01 Quyết định theo thẩm quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm củng cố, phát triển hệ thống, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thong dân tộc bán trú, dự bị đại học góp phần nâng cao chất lượng nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó đang xây dựng Thông tư Quy định về tuyển sinh, bồi dưỡng dự bị đại học; phân bổ vào học trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đối với học sinh dự bị đại học. Thông tư này quy định vùng tuyển sinh để tạo cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường đại học dự bị; đồng thời quy định ngưỡng điểm phân bổ vào các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2016-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và phối hợp với các bộ, ngành ban hành 25 Thông tư và Thông tư liên tục có liên quan đến công tác dân tộc. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc do Bộ ban hành đã kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước đối với công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ ban hành cũng có tác động tích cực đến sự ổn định phát triển của ngành giáo dục nói chung tạo sự công bằng trong giáo dục nói chung, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc. Theo đó, việc tham mưu ban hành các chính sách cho người dạy, người học ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn có bất cập về đối tượng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ. Cụ thể như cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường phổ thông có học sinh bán trú phải đảm nhiệm nhiệm vụ tương tự như trường Phổ thông Dân tộc bán trú nhưng không được hưởng phụ cấp; định mức hỗ trợ nhân viên phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú không phù hợp với tình hình thực tế,…
Trên cơ sở những bất cập gặp phải, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc ban hành, thực hiện chính sách pháp luật, trong đó đặc biệt quan tâm giám sát thực hiện chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời đề nghị Hội đồng Dân tộc hội quan tâm chỉ đạo, giám sát bố trí đủ nguồn lực để các hoạt động của Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, thành viên Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành nhiều thời gian, nghiêm túc chuẩn bị báo cáo. Nội dung của báo cáo đã chỉ ra kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ban hành các văn bản theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phụ trách rất nhiều nhóm chính sách liên quan đến giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như nhóm chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học xóa mù chữ tại trung tâm giáo dục thường xuyên, chính sách ưu tiên xét tuyển người dân tộc thiểu số vào đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh, chính sách cho học viên người dân tộc thiểu số hộ nghèo, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ trẻ em vùng dân tộc thiểu số học văn hóa, học nghề…
Tuy nhiên, qua đối chiếu nhóm chính sách tổng hợp với việc ban hành văn bản quy định chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc nhận thấy có 12 Nghị định giao Bộ hướng dẫn chi tiết thì có 6 Nghị định chậm. Do đó, Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lý giải rõ lý do vì sao chậm, nguyên nhân, tác động của của từng Nghị định và đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Tiểu dự án 1, đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số và miền núi. Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc triển khai tiểu dự án này đã làm đến đâu, tiến độ như thế nào ?
Theo các thành viên Đoàn Giám sát, Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần chỉ đạo, trong hoạt động giám sát cần phải nêu cụ thể cơ quan làm tốt, chưa tốt, làm rõ trách nhiệm nhiệm của cơ quan chậm/chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng “không có” trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm/chưa ban hành các văn bản quy phạm, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động cụ thể đối với từng văn bản ban hành chậm, văn bản chưa ban hành liên quan đến công tác dân tộc.
Tại buổi giám sát, được sự phân công của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị chuyên môn của Bộ đã giải trình làm rõ các vấn đề thành viên Đoàn Giám sát nêu.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry - Trưởng Đoàn Giám sát kết luận nội dung buổi làm việc
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, Đoàn Giám sát đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ các nội dung đã đề cập các nội dung theo yêu cầu của Đoàn Giám sát. Trong báo cáo đã chỉ ra kết quả những kết quả trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của các luật; ban hành các văn bản để tổ chức triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách trong thời gian vừa qua. Đồng thời báo cáo cũng nêu được hạn chế, nguyên nhân và một số bài học và các kiến nghị trong thời gian tới. Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc góp phần đào tạo nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhận định, hiện nay liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn như yếu tố địa hình, tỉ lệ hộ nghèo, tiếp cận dịch vụ, chậm khó khăn nhất so với các vùng khác. Trong đó, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nguồn nhân lực hiện nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng khác vẫn còn thấp.
Liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, đây cũng là một vấn đề đã được đề cập trong Nghị quyết của Đảng. Trưởng Đoàn Giám sát nhấn mạnh, trong việc triển khai chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, khâu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những khâu quan trọng nhất. Hiệu quả, hiệu lực hay không cũng nằm trong giai đoạn này, nằm trong khâu đánh giá tác động để biết có thể đi vào thực tiễn hay không.
Nhấn mạnh qua ý kiến của Đoàn Giám sát và ý kiến giải trình của các vụ, đơn vị liên quan vẫn còn một số nội dung chưa được đề cập trong báo cáo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giải trình làm rõ, tiếp thu những ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát để bổ sung vào báo cáo, đặc biệt là đối với 05/23 văn bản chậm ban hành để làm rõ thêm các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan cũng như việc có ban hành chậm hay không chậm.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng ban hành, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời gian. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện việc có chính sách đã đi vào thực tiễn, góp phần tác động tích cực liên quan đến chính sách giáo dục đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng qua rà soát, hiện nay vẫn còn quy định chưa áp dụng được trong thực tiễn mặc dù đã ban hành. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị cần đánh giá rõ hơn về tính đồng bộ, tính phù hợp với thực tiễn trong chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để Đoàn Giám sát có những đánh giá, nhận định sát với thực tiễn nhất.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, qua nhìn nhận nhiều chiều và đối chiếu với pháp luật hiện hành, Đoàn Giám sát đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng cần đánh giá về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại theo quan điểm “không tô hồng, không bôi đen”, nhưng phải nhìn nhận thực chất về thực tiễn đã qua.
Về việc thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 liên quan đến nguồn lực phân bổ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để hệ thống hoá kiên cố trường học đối với trường dân tộc nội trú và trường dân tộc bán trú, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ các kiến nghị liên quan đến cơ sở vật chất, làm rõ nguồn lực và giải pháp đặt ra trên thực tiễn để con số thực sự "biết nói" chứ không chỉ là con số nằm trên giấy./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 2016-2021.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry – Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi giám sát.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dành nhiều thời gian, nghiêm túc chuẩn bị báo cáo.
Nội dung của báo cáo đã chỉ ra kết quả ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ban hành các văn bản theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.
Qua đối chiếu nhóm chính sách tổng hợp với việc ban hành văn bản quy định chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc nhận thấy có 12 Nghị định giao Bộ hướng dẫn chi tiết thì có 6 Nghị định chậm. Do đó, Đoàn Giám sát đề nghị Bộ cần lý giải rõ lý do vì sao chậm, nguyên nhân, tác động của của từng Nghị định và đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Được sự phân công của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị chuyên môn của Bộ đã giải trình làm rõ các vấn đề thành viên Đoàn Giám sát nêu.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry – Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu kết luận nội dung làm việc.