Toàn cảnh Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với các Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.
Tham dự cuộc làm việc còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Trương Thị Ngọc Ánh; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc.
Về phía các bộ ngành của Chính phủ có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính.
Bộ Công thương cần cụ thể hóa các chính sách của ngành công thương
Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền 01 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc: Thông tư 09/2018/TT-BCT ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Bộ Công thương quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức Quản lý thị trường.
Theo đó, Thông tư quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các ngạch công chức Kiểm soát viên chính thị trường, Kiểm soát viên thị trường, Kiểm soát viên trung cấp thị trường đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của pháp luật hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp. Việc ban hành Thông tư số 09/2018/TT-BCT đã đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công chức quản lý thị trường đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số trong đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với ngạch công chức.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ rõ một số hạn chế, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ không được giao ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc, cũng như các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác đân tộc. Trong giai đoạn này, Bộ Công thương đã ban hành theo thẩm quyền 01 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc. Do đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đan tộc được ban hành theo thẩm quyền của Bộ Công thương chưa nhiều, các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương chưa có nhiều sự liên kết với lĩnh vực quản lý nhà nước về dân tộc.
Tại cuộc làm việc, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công thương cần báo cáo thêm các nội dung liên quan đến vấn đề thông thương, gia tăng giá trị hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có ý kiến cho rằng, trong các danh mục văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ tham gia hoạt động thông thương, đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ thông thương hàng hóa mà còn xuất khẩu nông sản.
Khẳng định Bộ Công thương có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số (như vấn đề OCOP…), đại biểu đề nghị, để thực hiện triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, trong phạm vi và trách nhiệm của Bộ, cần có chính sách và tầm nhìn dài hạn cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Có ý kiến đề nghị Bộ Công thương cần rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến Luật Điện lực, Luật Quản lý ngoại thương với các chính sách đặc thù hoạt động ngoại thương, rà soát lại để kiểm đếm một cách đầy đủ các luật có liên quan đến đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện các nội dung này chưa được cụ thể hóa trong báo cáo, do đó Bộ Công thương cần có đánh giá và bổ sung thêm.
Giải trình làm rõ một số nội dung, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ý kiến của Đoàn giám sát nêu cũng là trăn trở của Bộ Công thương. Bộ tiếp thu và ghi nhận ý kiến của Đoàn, đồng thời sẽ sâu, sát hơn nữa để xây dựng Báo cáo đầy đủ và hoàn thiện. Trách nhiệm của Bộ Công thương ban hành các văn bản liên quan đến Luật Quản lý ngoại thương, Luật Điện lực… Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, tới đây Bộ cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Điện lực, quan trọng là đảm bảo sự an toàn con người, cơ sở vật chất và môi trường cho bà con nói chung cũng như bà con dân tộc thiểu số nói riêng.
Liên quan đến vấn đề tái định cư, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, chịu trách nhiệm chính là vai trò của địa phương, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, vấn đề tái định cư cần đảm bảo tính đồng bộ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ cần cụ thể hóa các chính sách của ngành công thương.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ Công thương rà soát lại các nội dung văn bản quy phạm pháp luật cần thể hiện trong Báo cáo như các điều khoản, các luật có quy định liên quan đến đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kiểm đếm và đánh giá Luật Quản lý ngoại thương, Luật Điện lực, trong đó có vấn đề phủ lưới điện; giá điện, có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số và khó khăn; liên quan đến dịch vụ môi trường rừng; Các chính sách liên quan đến tái định cư thủy điện…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, Nghị quyết của Quốc hội cũng có nội dung liên quan đến việc cụ thể hóa chính sách của ngành công thương; thương mại trong nước, quy hoạch mạng lưới chợ, xây dựng chuỗi sản xuất, thúc đẩy thương mại phát triển, các sản phẩm miền núi: nhãn hiệu thương mại, chỉ dẫn địa lý… Đề nghị Báo cáo của Bộ Công thương cần bổ sung các vấn đề này.
Bộ Xây dựng cần đánh giá kỹ về nội dung, phân tích chất lượng các quy định của Luật và chính sách liên quan
Cho ý kiến về Báo cáo của Bộ Xây dựng, các đại biểu ghi nhận và đồng tình với nhiều nội dung liên quan đến kiến trúc. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, để đảm bảo thực hiện theo Luật thì chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định còn chung chung. Vấn đề xây dựng, quản lý nghĩa trang cũng được quy định đầy đủ nhưng tổ chức thực hiện thì Bộ cần cố gắng nhiều hơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính Phủ quy định cụ thể về mức tối thiểu đất ở của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Liên quan đến tiêu chí nhà ở hay việc khai thác vật liệu xây dựng, các đại biểu nêu quan điểm, Bộ Xây dựng có định hướng như thế nào trong thời gian tới, có điều chỉnh không hay không gian quy hoạch san sát nhau như hiện nay, đề nghị Bộ báo cáo rõ hơn, để có định hướng trong giai đoạn tới.
Có ý kiến thành viên Đoàn Giám sát nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là phải đảm bảo không gian kiến trúc, không gian sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo văn hóa của từng vùng miền. Do vậy, mong muốn Bộ Xây dựng tham mưu cho Chính Phủ quy định cụ thể về mức tối thiểu đất ở của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi nhu cầu đất ở gắn liền với chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, cần phải đảm bảo không gian sống hợp lý cho họ.
Các đại biểu cũng cho rằng, Bộ Xây dựng cần quan tâm hơn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đối tượng không nên chỉ có hộ nghèo và cận nghèo. Đối tượng có thể mở rộng hơn là những hộ là người dân tộc thiểu số, cư trú miền núi, vùng khó khăn, quy định định mức hỗ trợ hợp lý hơn cho họ để đảm bảo thực hiện được chính sách nhà ở, xóa nhà tạm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại diện Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, đại diện Bộ Xây dựng ghi nhận và tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và khẳng định sẽ bổ sung và hoàn thiện Báo cáo.
Kết luận nội dung làm việc với Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, Báo cáo chưa bao quát hết các vấn đề của Luật Kiến trúc, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… đề nghị rà soát, đánh giá đầy đủ các nội dung này. Đồng thời đề nghị báo cáo đánh giá kỹ về nội dung, phân tích chất lượng các quy định của luật, chính sách liên quan.
Đối với Luật Kiến trúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị phải đánh giá rõ công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải bảo đảm điều kiện sống, tiêu chuẩn nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa… Tuy nhiên, hiện Bộ Xây dựng không có tiêu chí cho vấn đề này.
Đi liền với đó, nội dung, tính cụ thể, chất lượng của các chính sách cần được đánh giá và quan tâm thêm. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần xem xét, đánh giá tác động của chính sách đã phù hợp hay chưa và bổ sung vào báo cáo; bổ sung thêm chính sách nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các vấn đề đặt ra liên quan đến trách nhiệm của Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ hơn, đánh giá theo từng nhóm vấn đề để Đoàn giám sát xem xét như các vướng mắc về quy hoạch, không gian sống của đồng bào dân tộc thiểu số…
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cần đánh giá theo từng nhóm vấn đề liên quan do Bộ quản lý
Cũng tại cuộc họp, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính. Trao đổi với Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung thêm các chương trình giao thông miền núi, cơ chế chính sách về giao thông nông thôn để phục vụ cho chương trình giảm nghèo; cần làm rõ thêm một số nội dung phục vụ cho giao thông, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hoàn chỉnh báo cáo.
Cho rằng Báo cáo Bộ Tài chính chưa đảm bảo yêu cầu của đề cương và của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị rà soát lại văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến đối tượng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như các văn bản luật, Nghị quyết, đề nghị làm rõ thêm đến cơ chế quản lý và các văn bản liên quan đến phân bổ ngân sách và đầu tư công, các tiêu chí đặc thù trong chương trình mục tiêu quốc gia… Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý Báo cáo của Bộ Tài chính cần đánh giá các chính sách liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số, những chính sách ít hoặc không liên quan thì không nên đưa vào Báo cáo.
Đại điện Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính ghi nhận những ý kiến của đại biểu và cho biết sẽ đánh giá theo từng văn bản quy phạm pháp luật và từng nhóm vấn đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát, bổ sung thêm các văn bản pháp luật đã ban hành để hoàn thiện báo cáo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Lâm Thành đề nghị 4 Bộ hoàn thiện các báo cáo để Đoàn giám sát tổng hợp, có báo cáo chung trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Lâm Thành đề nghị 4 Bộ chuẩn bị lại và hoàn thiện các báo cáo để Đoàn giám sát có cơ sở tổng hợp, đánh giá lại tính khả thi, đánh giá tác động chính sách đến thưc tiễn cuộc sống. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc có kết quả tổng hợp để có báo cáo chung trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Đây là một bước rà soát lại để tích hợp các chính sách trong giai đoạn tới, xác định lại, cơ cấu chính sách an sinh – xã hội cho phù hợp để các chính sách liên quan đến công tác dân tộc thực sự đi vào cuộc sống./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc họp:
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cần đánh giá theo từng nhóm vấn đề liên quan do Bộ quản lý
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề nghị Bộ Công thương cần báo cáo thêm các nội dung liên quan đến vấn đề thông thương, gia tăng giá trị hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Khẳng định Bộ Công thương có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh đề nghị Bộ cần có chính sách, tầm nhìn dài hạn đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Ủy viên Thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu đóng góp ý kiến tại cuộc họp.
Đại diện Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề mà thành viên Đoàn giám sát nêu và cho biết sẽ đánh giá theo từng văn bản và nhóm vấn đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát, bổ sung thêm các văn bản đã ban hành, tiếp tục hoàn thiện báo cáo.