Quang cảnh cuộc làm việc
Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với điểm cầu của UBND tỉnh Quảng Nam. Tham dự cuộc làm việc về phía Đoàn giám sát có đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, thành viên Đoàn giám sát, Tổ phó Tổ công tác.
Về phía các bộ ngành liên quan có: đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về phía UBND tỉnh Quảng Nam có: Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Ẩn; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ban Dân tộc các huyện, xã…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan cho rằng, cuộc làm việc nhằm làm sâu hơn Báo cáo giám sát. Qua báo cáo Đoàn giám sát nhận được, các nhóm chuyên môn đã nghiên cứu sơ bộ bước đầu thành phần của báo cáo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Định Thị Phương Lan đề nghị các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam nêu các vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Đồng thời tập trung thảo luận về các nội dung của Báo cáo giám sát trung tâm và báo cáo thành phần, trao đổi thông tin để đưa vào báo cáo giám sát sơ bộ bước đầu.
Cho rằng yêu cầu của Đoàn giám sát rất nặng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc mong muốn các sở, ngành tỉnh Quảng Nam trao đổi thông tin với Đoàn giám sát sao cho hiệu quả, cụ thể nhất.
Thực hiện gặp khó do Trung ương chưa giao vốn 6 Chương trình chuyên đề trong Chương trình nông thôn mới
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Ẩn báo cáo việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Ẩn cho biết, các CTMTQG đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, đồng bộ. Hệ thống chính trị tiếp tục được giữ vững. Việc thành lập Ban chỉ đạo các cấp được thực hiện đúng quy định, có phân công nhiệm vụ cho các cơ quan và phân công thành viên phụ trách đứng điểm ở các địa phương để triển khai thực hiện, công tác phối hợp thực hiện các Chương trình được UBND tỉnh quy định rõ ràng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Ẩn đã chỉ ra được một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG. Theo đó, cuối năm 2022, trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 nên việc tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện các mục tiêu của năm 2022. Hiện nay, Trung ương chưa giao vốn 6 Chương trình chuyên đề trong Chương trình nông thôn mới nên rất khó cho tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện. Bộ máy tham mưu thực hiện Chương trình các cấp chậm được kiện toàn ổn định, chưa đảm bảo tính đồng bộ nên khi triển khai thực hiện cho giai đoạn mới còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận, tham mưu tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, một số bộ ngành chưa có hướng dẫn thực hiện, đánh giá một số chỉ tiêu liên quan của xã, huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nên chưa đầy đủ cơ sở pháp lý cụ thể hoá quy định đánh giá các Bộ tiêu chí trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
Từ những bất cập nêu trên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Trần Văn Ẩn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nâng cap hiệu quả thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.
Đề nghị tỉnh Quảng Nam cập nhật thông tin, làm rõ việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan, thành viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ công tác.
Qua báo cáo của tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho rằng, vấn đề lồng ghép trong báo cáo còn chung chung, đề nghị tỉnh Quảng Nam trao đổi thêm về nội dung này.
Về Chương trình nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, hiện Trung ương chưa giao vốn 6 Chương trình chuyên đề, đề nghị tỉnh Quảng Nam cập nhật thêm dữ liệu và thông tin thêm cho Đoàn giám sát nội dung này.
Liên quan đến Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế đặc thù, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề nghị tỉnh Quảng Nam trao đổi, làm rõ thêm về những vấn đề vướng mắc liên quan đến Nghị định 27/2022/NĐ-CP. Về các tiêu chí nông thôn mới, đề nghị nêu rõ thêm từng chỉ tiêu thành phần cao hay thấp, tính phù hợp như thế nào, tiêu chí nông thôn mới chưa phân tích rõ trong báo cáo, do đó đề nghị cần làm rõ thêm. Về khó khăn, bất cập, cho rằng báo cáo chưa làm rõ được các bộ, ngành khó khăn, bất cập như thế nào, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần cụ thể thêm.
Nhận xét về Báo cáo giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ phó Tổ công tác cho rằng, cơ bản khung báo cáo bám sát đề cương của Quốc hội, nhiều nội dung nêu sâu và chi tiết. Về kết quả đạt được, công tác lãnh đạo chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam và công tác ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để thực hiện các Chương trình mục tiêu sâu sát, cụ thể. Báo cáo cũng đã chỉ rõ kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu, các dự án của 3 CTMTQG. Về công tác tuyên truyền, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền về 3 CTMTQG.
Làm rõ phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG trên địa bàn
Đồng tình về những hạn chế mà tỉnh Quảng Nam đã đề cập, đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ tỉnh đã nêu ra được những giải pháp cần thực hiện 3 CTMTQG trong thời gian tới, có những kiến nghị đề xuất tương đối nhiều và sát với thực tế, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành rất rõ.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ phó Tổ công tác.
Tuy nhiên đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị tỉnh Quảng Nam cần làm rõ một số nội dung sau chi tiết hơn:
Thứ nhất, tổ chức mô hình văn phòng địa phương cấp huyện về cơ cấu tổ chức, bố trí nhân sự, về mối quan hệ giữa văn phòng địa phương với các phòng ban khác, có thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì, nếu tốt thì nhân rộng ở các địa phương.
Thứ hai, về việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, đại biểu đề nghị làm rõ hơn quy định của tỉnh về thực hiện cơ chế thu hồi quay vòng trong hỗ trợ, phát triển sản xuất cho cộng đồng.
Thứ ba, đề nghị làm rõ chủ trương, quyết định của tỉnh về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.
Thứ tư, đề nghị làm rõ thêm các văn bản Trung ương đến thời điểm này còn thiếu, chỉ rõ văn bản nào của Trung ương cần phải ban hành mà đến nay chưa ban hành. Đồng thời cần nêu rõ điều khoản nào trong một số văn bản Trung ương còn mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó có kiến nghị với các bộ ngành để sửa đổi sao cho phù hợp.
Thứ năm, về vấn đề lồng ghép, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần làm rõ đây là lồng ghép thực chất hay thực hiện từng CTMTQG rồi cộng lại thì gọi là lồng ghép?
Về kết quả thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, cho rằng báo cáo của tỉnh Quảng Nam đã nêu ra kết quả rất ấn tượng như tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị đánh giá thực chất về kết quả giảm nghèo này, số liệu có đảm bảo khách quan, trung thực hay không? Trong khi đó, tỉ lệ giải ngân CTMTQG trong năm 2022 giảm rất thấp, năm 2021 ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, đại biểu băn khoăn nguồn lực nào có thể đạt kết quả giảm nghèo ấn tượng như thế này, đề nghị làm rõ thêm.
Về trọng tâm, trọng điểm thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ các chính sách, các biện pháp đảm bảo yêu cầu về trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện các CTMTQG.
Liên quan đến phân cấp, trao quyền, đại biểu cho rằng đây cũng là một nguyên tắc cơ bản trong các CTMTQG, báo cáo chưa phân tích chi tiết phân cấp, phân quyền, đặc biệt liên quan đến các phòng ban cấp huyện để đảm bảo tính lồng ghép, đề nghị phân tích rõ hơn. Về vấn đề bình đẳng giới, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, báo cáo chưa đề cập, đề nghị làm rõ thêm lí do tại sao chưa đề cập.
Đề cập về tỉ lệ giải ngân vốn sự nghiệp trong các CTMTQG, đại biểu nhận thấy, tỉ lệ giải ngân này đạt rất thấp, đề nghị làm rõ lí do, nguyên nhân vì sao.
Đồng thời đề nghị làm rõ thêm tính khả thi về nguồn vốn của tỉnh Quảng Nam để thực hiện các CTMTQG, có quyết định thành công hay thất bại về nguồn vốn của tỉnh, khẳng định lại tính khả thi khi thực hiện nguồn vốn đối ứng với vốn trung ương thực hiện như thế nào, khẳng định tính khả thi các chỉ tiêu, mục tiêu, các dự án để thực hiện các CTMTQG như thế noà, có đảm bảo mục tiêu của Quốc hội hay không?
Đại diện các cơ quan ban ngành tham dự cuộc làm việc.
Cũng tại cuộc làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam giải trình, làm rõ thêm một số nội dung mà thành viên Đoàn giám sát quan tâm liên quan đến những vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG đã nêu trên. Đại diện các bộ ngành liên quan như Văn phòng điều phối nông thôn mới - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam làm rõ một số nội dung mà Báo cáo chưa đề cập như 6 Chương trình chuyên đề gắn với triển khai thực hiện CTMTQG nông thôn mới, cơ chế lồng ghép, vấn đề vốn đối ứng, vấn đề bình đẳng giới…
Đồng tình với nhận xét, đánh giá của Đoàn giám sát cũng như báo cáo của tỉnh Quảng Nam về xây dựng nông thôn mới, đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Vương Đình Anh cho rằng, báo cáo hiện chưa nêu vấn đề quay vòng vốn, vấn đề bình đẳng giới, đề nghị phân tích rõ hơn, Văn phòng nông thôn mới của tỉnh lưu ý bổ sung thêm, đồng thời đánh giá tính khả thi đối ứng vốn của tỉnh.
Liên quan đến các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Vương Đình Anh đề nghị Báo cáo phân tích thêm giữa thực trạng nội dung triển khai và theo bộ tiêu chí có ảnh hưởng gì đối với người dân hay không, cần bổ sung, điều chỉnh gì với các huyện nghèo hay không?
Liên quan đến cơ chế lồng ghép, ông Vương Đình Anh đề nghị tỉnh Quảng Nam phân tích kỹ thêm để giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế lồng ghép, về bất cập của Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ để giải quyết nút thắt trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu kết luận cuộc làm việc.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, qua trao đổi và làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã rất trách nhiệm, sâu sát, thẳng thắn về những mặt đã làm được và chưa làm được. Đồng thời cho biết Tổ công tác của Đoàn giám sát số II sẽ chuẩn hoá lại nội dung dự thảo Báo cáo sơ bộ bước đầu trước ngày 30/3 để gửi cho Đoàn giám sát số II, Tổ giúp việc sẽ trao đổi với tỉnh để thống nhất một số nội dung liên quan để báo cáo giám sát sơ bộ của Tổ công tác.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục cập nhật, bổ sung dữ liệu trong báo cáo. Qua buổi làm việc này, đề nghị đại diện của các bộ ngành gồm 3 cơ quan chủ trì báo cáo Lãnh đạo bộ ngành để có chỉ đạo kịp thời. Xác định trọng tâm là đánh giá hệ thống văn bản, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị nêu các vấn đề cụ thể hơn trong quá trình tổ chức thực hiện, hướng dẫn và tham mưu chỉnh sửa, phối hợp tích cực với Đoàn giám sát để có dữ liệu chuẩn, kịp thời, chính xác. Đề nghị Tổ giúp việc, các vụ, đơn vị cập nhật chi tiết, chính xác các kiến nghị của địa phương để tổng hợp thành dự thảo Báo cáo sơ bộ trước ngày 25/3 để thành viên Tổ công tác trao đổi với địa phương, tiếp tục hoàn thiện và gửi cho Đoàn giám sát số II./.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Quang cảnh cuộc làm việc
Về Chương trình nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho rằng, hiện Trung ương chưa giao vốn 6 Chương trình chuyên đề, đề nghị tỉnh Quảng Nam cập nhật thêm dữ liệu và thông tin thêm cho Đoàn giám sát nội dung này.
Ông Vương Đình Anh, đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Báo cáo phân tích thêm giữa thực trạng nội dung triển khai Chương tình nông thôn mới và theo Bộ tiêu chí có ảnh hưởng gì đối với người dân hay không, cần bổ sung, điều chỉnh gì với các huyện nghèo hay không? Đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Nam phân tích kỹ thêm để giải quyết vướng mắc liên quan đến cơ chế lồng ghép, về bất cập của Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ để giải quyết nút thắt trong thời gian qua.
Thành viên Đoàn giám sát số II của Quốc hội
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc.
Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Phạm Hồng Đào cho biết, Bộ sẽ cập nhật thêm thông tin theo các địa phương báo cáo về các nội dung liên quan đến triển khai thực hiện 3 CTMTQG.
Đại diện Uỷ ban Dân tộc báo cáo làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến một số kiến nghị việc triển khai thực hiện các CTMTQG.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn báo cáo việc thực hiện Chương trình nông thôn mới.
Đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Nam báo cáo về việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan phát biểu kết luận cuộc làm việc.