Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, 4 dự án luật này rất quan trọng, có tác động, ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được quần chúng nhân dân rất quan tâm. Hội đồng Dân tộc mong muốn các đại biểu sẽ thảo luận những vấn đề cốt lõi của 4 dự án luật là phạm vi và đối tượng điều chỉnh, đối tượng tác động, tính khả thi. Mặt khác, qua kinh nghiệm thực tiễn, lý luận của đại diện các địa phương, cơ quan, ban, ngành trong triển khai thực hiện pháp luật về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giáo dục thời gian qua đã đúc rút được những kinh nghiệm gì, vấn đề nào còn hạn chế, vấn đề nào còn bất cập và đề xuất các giải pháp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại hội nghị
Mục tiêu xây dựng dự án Luật trồng trọt hướng đến xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại. Trong đó, cần làm rõ trồng trọt ứng dụng công nghệ cao sẽ như thế nào? Ví dụ, tại Lâm Đồng, từ lâu nông dân nơi đây đã ứng dụng công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với các sản phẩm, như rau, hoa, chè, cà phê arabica…, từng bước khẳng định uy tín với thị trường trong nước và bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài. Đáng mừng hơn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, giúp các hộ đồng bào khác ổn định đời sống và làm giàu từ trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, ở trung du và miền núi, năng suất, giá trị trồng trọt chưa được nâng cao. Đất sản xuất trồng trọt chủ yếu là sỏi đá, bị sói mòn, rửa trôi. Trồng trọt chạy theo lợi ích trước mắt, chủ yếu dựa vào sức lao động và chưa thực sự có hiệu quả, chưa xây dựng được thương hiệu.Về dự án Luật Trồng trọt, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng phát triển của ngành trồng trọt, sử dụng nguồn tài nguyên, vấn đề an toàn thực phẩm bảo vệ môi trường, hội nhập trong lĩnh vực cây trồng ở nước ta và thế giới. Đặc biệt là canh tác trồng trọt ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Một trong những điểm mới của dự án Luật Trồng trọt lần này là đã bổ sung nguyên tắc quản lý trong trồng trọt theo hướng bảo đảm sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung. Quy định về chiến lược phát triển trồng trọt; bổ sung hỗ trợ các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư. Quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại và giảm bớt thủ tục hành chính, như chỉ thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm giống cây trồng chính có tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân…
Toàn cảnh hội nghị
Tới đây, các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét điều chỉnh chiến lược phát triển trồng trọt phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; bảo đảm phù hợp với thời gian rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho 5 năm tiếp theo. Đối với quy định trong từng thời kỳ, nên quy định theo hướng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Danh mục loài cây trồng chính điều chỉnh thành định kỳ hàng năm sau khi rà soát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Danh mục loài cây trồng chính và danh mục các giống cây trồng đăng ký được bảo hộ giống cây trồng mới tại Việt Nam. Quy định này vừa bảo đảm tính linh hoạt và tránh hành chính hóa.
Một số ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo quan tâm đến chiến lược hợp tác, phát triển liên kết giữa các vùng. Đơn cử, ở khu vực miền núi phía Bắc đang có lợi thế phát triển nông nghiệp gắn với du sinh thái, du lịch nông nghiệp; chuyển từ khảo nghiệm vị trí vùng địa lý sang khảo nghiệm vùng sinh thái địa lý sẽ đúng và trúng với thực tiễn hơn…./.