PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: KHẨN TRƯƠNG HOÀN THIỆN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, ĐÚNG TIẾN ĐỘ

29/12/2023

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo tham vấn ý kiến vào Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là một dự thảo Luật khó, tác động đến nhiều đối tượng từ các cơ quan Trung ương, địa phương và các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội. Do đó, đề nghị Ban Chỉ đạo cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ để báo cáo UBTVQH trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật năm 2024.

HỘI THẢO THAM VẤN Ý KIẾN VÀO HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: CỐ GẮNG BÁM SÁT TIẾN ĐỘ NHƯNG QUAN TRỌNG NHẤT LÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

PHIÊN HỌP THỨ 2 BAN CHỈ ĐẠO, TỔ BIÊN TẬP LẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO, TỔ BIÊN TẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
 

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chủ trì Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Thường trực Hội đồng Dân tộc; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình…; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó, hoạt động giám sát là trọng tâm, then chốt

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Sau hơn 07 năm thực hiện, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, việc thực hiện Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất định. Trước yêu cầu ngày càng cao về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân và đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó, hoạt động giám sát là trọng tâm, then chốt. Ngày 15/10/2021, Đảng Đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch Xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội”.

Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động, khẩn trương triển khai các hoạt động để xây dựng và hoàn thiện Đề án, trong đó đã tổ chức 04 phiên họp và nhiều lần cho ý kiến bằng văn bản. Xây dựng dự thảo Đề án trên cơ sở tổng hợp 110 báo cáo về đánh giá thực trạng và đề xuất, kiến nghị đổi mới hoạt động giám sát. Xây dựng 13 chuyên đề. Tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến một số cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, các ĐBQH, nguyên ĐBQH các khóa (ngày 18/02/2022); gửi xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (ngày 18/3/2022).

Đồng thời báo cáo Lãnh đạo Quốc hội về dự thảo Đề án 03 lần và trình Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7/2022. Ngày 03/8/2022, Đảng Đoàn Quốc hội đã thông qua Đề án và ban hành Kết luận số 843 “Về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”. Theo đó đề nghị “Rà soát, tổng kết, đánh giá và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về hoạt động giám sát trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án và căn cứ vào Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình các cơ quan có thẩm quyền để xem xét đưa vào chương trình năm 2022-2023 và những năm tiếp theo”.

Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương, tích cực xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 17/4/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 2196 Kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 22, đã giao: “Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật”.

UBTVQH cũng giao Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ đạo quá trình lập đề nghị, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và việc soạn thảo dự án Luật. Hội đồng Dân tộc đã ban hành Nghị quyết số 1069 ngày 13/7/2023 thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và phân công nhiệm vụ, xác định tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; ban hành Kế hoạch và Đề cương tổng kết 07 năm thi hành Luật và đề nghị các cơ quan, các Bộ, ngành, các Đoàn ĐBQH, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi kết quả về Ban Chỉ đạo; đồng thời Ban Chỉ đạo đã khẩn trương thực hiện các bước theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã khẩn trương nghiên cứu Đề án “Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội” và rà soát, tổng hợp các báo cáo tổng kết thi hành Luật, tổ chức 03 Phiên họp Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập cho ý kiến về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Đến nay, tuy chưa thực hiện được yêu cầu của UBTVQH giao là “phấn đấu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7” do nguyên nhân chủ yếu là thời gian triển khai tổng kết gấp nên các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết và gửi báo cáo chậm (còn 03 cơ quan, bộ, địa phương chưa gửi báo cáo) nên quá trình tổng hợp, xây dựng dự thảo các báo cáo, đề cương chi tiết, Tờ trình chậm. Song với sự nỗ lực, cơ quan chủ trì đã tích cực xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gồm 04 dự thảo văn bản:

(1) Tờ trình đề nghị xây dựng Luật gồm 19 trang;

(2) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách với 35 trang;

(3) Báo cáo tổng kết thi hành Luật với 77 trang với 03 phụ lục với 70 trang;

(4) Đề cương chi tiết dự thảo Luật với 03 điều: Tại Điều 1: Đề nghị  sửa đổi, bổ sung 81 nội dung (Luật hiện hành có 178 điều); trong đó đề nghị bổ sung 19 điều và 11 điểm khoản. Tại Điều 2 (sửa đổi, bổ sung quy định của các luật) đề nghị sửa đổi, bổ sung 03 nội dung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các dự thảo này đã gửi xin ý kiến các Bộ (Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Ngoại giao), cơ quan liên quan và địa phương theo quy định và đã được Ban Chỉ đạo gửi trước tới đại biểu để nghiên cứu, cho ý kiến.

Bảo đảm đúng tiến độ trình và chất lượng Hồ sơ dự án Luật

Nhấn mạnh đây là một dự thảo Luật khó, vì tác động đến nhiều đối tượng từ các cơ quan Trung ương và địa phương và các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị ngoài những vấn đề quan tâm, các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến (có phương án chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung cụ thể, nêu rõ căn cứ, lý do đề xuất, kiến nghị…) và làm rõ về một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã đầy đủ chưa? về mục đích, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật; về phạm vi điểu chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; cần bám sát yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng để giải quyết tốt các mối quan hệ sau:

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã đầy đủ chưa, về mục đích, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật; về phạm vi điểu chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; cần bám sát yêu cầu thể chế hóa quan điểm của Đảng...

(1) Mối quan hệ giữa hoạt động giám sát và công tác lập pháp, quyết định  các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(2) Mối quan hệ giữa tính cấp thiết và tính ổn định lâu dài, thống nhất trong hệ thống pháp luật: Trên tinh thần những vấn đề cấp thiết đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, có sự đồng thuận cao thì luật hóa và thể hiện cho được. Những vấn đề tuy cấp thiết nhưng chưa chín, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì có thể cần thí điểm hoặc quy định chung về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí và giao UBTVQH, Chính phủ… quy định cụ thể.

(3) Mối quan hệ giữa khắc phục luật khung, luật ống với giải quyết vướng mắc từ thực tiễn để luật sớm đi vào cuộc sống.

(4) Mối quan hệ giữa đổi mới hoạt động giám sát và đổi mới tổ chức, bộ máy; giữa hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của Đảng, Chính phủ, cơ quan tư pháp, giám sát phản biện.

(5) Mối quan hệ giữa đổi mới và tính kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, mô hình giám sát của Nghị viện một số nước.

Thứ hai, về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu góp ý về 05 Nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách đã đầy đủ, cụ thể, rõ ràng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa; cần bổ sung, làm rõ những vấn đề gì.

Về dự thảo Báo cáo tổng kết, ngoài những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân cho đầy đủ, sát đúng với thực tế, vì đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung tại dự thảo Đề cương chi tiết. Các nội dung của dự thảo Báo cáo đã thể đầy đủ, rõ ràng, bố cục hợp lý và logic chưa? Còn thiếu những nội dung, thông tin gì cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Về dự thảo Đề cương chi tiết, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ các nội dung đề xuất bãi bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung mới đã phù hợp với các chính sách chưa đề nghị xây dựng Luật chưa? Có nội dung nào cần đánh giá tác động bổ sung; Đề cương đã thể chế hóa được các quan điểm của Đảng có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát.

Thứ ba, về thời gian dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật

Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao và biểu dương Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập có nhiều cố gắng, tích cực, trong thời gian ngắn đã hoàn thành các dự thảo các văn bản của Hồ sơ theo quy định để có tài liệu tương đối đầy đủ nhằm thảo luận, cho ý kiến tại Hội thảo này.

Dự thảo Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024).

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, căn cứ vào khối lượng công việc phải thực hiện để bảo đảm đúng tiến độ trình và chất lượng Hồ sơ dự án Luật, theo đề nghị của Thường trực HĐDT trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 05/2025). Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về vấn đề này và các nội dung nêu trên.

Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tổ chức ghi âm, ghi chép, tổng hợp đầy đủ các ý kiến và khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong nghiên cứu, thực hiện đúng quy trình hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Luật bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ để báo cáo UBTVQH trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.

Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao và biểu dương Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập có nhiều cố gắng, tích cực, trong thời gian ngắn đã hoàn thành các dự thảo các văn bản của Hồ sơ theo quy định để có tài liệu tương đối đầy đủ nhằm thảo luận, cho ý kiến tại Hội thảo này.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu góp ý về 05 Nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách đã đầy đủ, cụ thể, rõ ràng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa; cần bổ sung, làm rõ những vấn đề nào?

Đại diện các Ủy ban của Quốc hội tham dự Hội thảo 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu mở đầu Hội thảo

Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu tham dự Hội thảo./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác