PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỈ ĐẠO HỘI THẢO THAM VẤN Ý KIẾN VỀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND

26/02/2024

Chiều 26/02, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

HỘI THẢO THAM VẤN Ý KIẾN HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Hội thảo

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện các Ban của UBTVQH: Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp; Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội thảo này là bước đầu để cho ý kiến về Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như Đề cương chi tiết dự thảo Luật, làm cơ sở để tổ chức các hội thảo tiếp theo và lập Hồ sơ đề nghị, báo cáo UBTVQH để điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Hội thảo được tổ chức thời gian tới tại tỉnh Hòa Bình, Thừa Thiên Huế và TP.Hồ Chí Minh cần tham vấn thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, sản phẩm bước đầu tuy chậm so với thời gian mà UBTVQH cho ý kiến nhưng sau khi xem xét tổng thể nhiều mặt, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã xin ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và UBTVQH đã đồng ý với phương án là cần thiết xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật để UBTVQH cho ý kiến, và thông qua Quốc hội để quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu kết quả công việc thuận lợi thì có thể báo cáo bổ sung, đưa vào thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), thông qua vào Kỳ họp thứ 8. Nếu còn vấn đề chưa chín, chưa rõ thì sẽ cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9.

Cho rằng đây là một luật rất khó bởi đối tượng và phạm vi của Luật, khó bởi căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, đặc biệt là mảng giám sát của HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo cần lưu ý nội dung này trong quá trình thực hiện, cách làm phải khoa học, thống nhất, đồng bộ.

Liên quan đến nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tập trung nghiên cứu một số nội dung sau:

Về căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét cơ sở chính trị nào chưa thể hiện trong Hồ sơ thì cần nêu và bổ sung. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Hoạt động giám sát phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, đồng thời phải gắn với lập pháp và  các vấn đề quan trọng của đất nước…”. Đây chính là cơ sở chính trị đầu tiên mà chúng ta cần lưu ý. Bên cạnh đó, Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền đã nêu rõ: “(1) Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn về phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn; (2) Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát các văn bản quy phạm pháp luật; (3) Chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc để thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát; (4) Thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm.”

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Bám sát mục đích, quan điểm của Đảng cũng như 5 Nghị quyết của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát xem Luật đã đầy đủ về cơ sở chính trị của việc đề nghị sửa đổi hay chưa, có trùng lặp không, có rõ ràng không? Đồng thời cho rằng nên chăng lần này sửa đổi, bổ sung Luật cần có quan điểm thực tiễn sâu sắc, cái gì đã chín, đã rõ, đủ điều kiện thì cần được luật hóa; cần xác định trọng tâm, trọng điểm những vấn đề đã chín, đã rõ để luật hóa.

Về cơ sở pháp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, sau Hiến pháp, bên cạnh Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là một nhánh của chức năng, nhiệm vụ, thể hiện quy định về cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quốc hội và HĐND. “Vậy cơ sở pháp lý của chúng ta là gì và được thể hiện như thế nào trong lần sửa đổi này?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về cơ sở thực tiễn, hiện đã có Báo cáo đánh giá tổng kết của Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Báo cáo tổng kết đề nghị xây dựng Luật… Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu xem xét báo cáo tổng kết đã đầy đủ chưa, còn chỗ nào đánh giá chưa hết, chưa rõ. Bên cạnh đó, các nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV và khóa XV đã đủ cơ sở thực tiễn để luật hóa các nội dung này chưa?

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, các nội dung nêu trên là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn rất quan trọng của Luật này.

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải thể hiện được những bất cập do các quy định của pháp luật, làm rõ những đổi mới trong thực tiễn cần được luật hóa là gì?

Về các nhóm chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, 5 nhóm chính sách được nêu trong Tờ trình đã đầy đủ, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ các chính sách cụ thể vì có liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động chính sách.

Liên quan đến Hồ sơ kèm theo, có hai báo cáo quan trọng là Báo cáo tổng kết Đề án hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng như Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Báo cáo tổng kết cần tổng hợp, đánh giá phần giám sát của HĐND một cách khoa học, ngắn gọn, đầy đủ, bao quát, cụ thể những vấn đề trong mục tiêu, quan điểm cần thực hiện, trong đó cần làm rõ hạn chế, vướng mắc. Đối với Báo cáo đánh giá tác động chính sách, cần đánh giá sắc sảo, khách quan, mạch lạc. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo lưu ý phát huy tinh thần mà UBTVQH đã yêu cầu: phải mẫu mực cả về tinh thần, trách nhiệm, mẫu mực về cách làm và phương thức thực hiện, mẫu mực cả về nội dung.

Về Đề cương chi tiết dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đề cương chi tiết dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó sửa đổi 39 Điều trong tổng số 91 Điều của Luật hiện hành và bổ sung 16 Điều. Đề nghị các đại biểu nghiên cứu đây có phải những vấn đề trọng tâm của Luật hay không, nên chăng tính toán, xem xét lại tên gọi, phạm vi của Luật, đồng thời xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học một cách kỹ lưỡng về các nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ban soạn thảo tích cực hoàn thiện sớm dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu Hội thảo được gửi trước, với những kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban, đề nghị các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, có trách nhiệm, đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào sự cần thiết, tính hợp lý, phù hợp, khả thi của chính sách về bảo đảm thực thi kết luận, kiến nghị giám sát trong hồ sơ lập đề nghị.

Đồng thời, cho ý kiến đối với những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan được nêu tại dự thảo Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Kiến nghị thêm các giải pháp, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hoạt động giám sát để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận giám sát.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự thảo Đề cương chi tiết Luật, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến xoay quanh các nội dung nêu trên.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan trong việc lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội thảo này là bước đầu để cho ý kiến về Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng như Đề cương chi tiết dự thảo Luật, làm cơ sở để tổ chức các hội thảo tiếp theo và lập Hồ sơ đề nghị, báo cáo UBTVQH để điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. 

Các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Hội thảo được tổ chức thời gian tới tại tỉnh Hòa Bình, Thừa Thiên Huế và TP.Hồ Chí Minh cần tham vấn thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Hội thảo./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác