Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2016 vùng dân tộc thiểu số, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nêu rõ, năm 2016, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành với phương châm sâu sát, cụ thể và quyết liệt. Đồng thời, bám sát và chỉ đạo kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc. Tại các địa phương, kết quả thực hiện công tác dân tộc đã góp phần củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…
Tuy nhiên, năm 2016, công tác dân tộc cũng gặp một số khó khăn như, nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án còn thấp so với kế hoạch. Nhu cầu vốn, tổng vốn cấp thực hiên chính sách năm 2016 là 7.938 tỷ đồng/tổng nhu cầu 18.180 tỷ đồng, bằng 43,6% nhu cầu vốn. Vì vậy, có nhiều chính sách đã hết hiệu lực nhưng khả năng không hoàn thành mục tiêu đề ra. Trong khi đó, một số chính sách mới ban hành nhưng chưa được bố trí vốn triển khai thực hiện như Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020; Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016- 2025.
Hội đồng Dân tộc họp Phiên toàn thể lần thứ 3
Khẳng định báo cáo của Ủy ban Dân tộc đã phản ánh đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện chính sách dân tộc, các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, việc cân đối, bố trí, cấp vốn không đồng bộ, kịp thời ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chính sách và phát sinh một số vướng mắc trong triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng Dân tộc cũng lưu ý, trong thực hiện cơ chế chính sách, chúng ta đang thiếu cơ chế khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách; chưa có chế tài đủ mạnh xử lý đối với các trường hợp triển khai chậm, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng cần cung cấp thêm một số thông tin về việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số trong các chương trình an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, phát triển thể chất cho học sinh, chống mù chữ… Ủy ban Dân tộc nên đóng góp ý kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016- 2020 trong việc thực hiện các Đề án, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục lường trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đến đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại Phiên họp, Hội đồng Dân tộc đã nghe lãnh đạo Ủy ban Dân tộc báo cáo công tác chuẩn bị dự án Luật Hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); phối hợp thẩm tra dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); phối hợp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo; thảo luận báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV; cho ý kiến vào Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.