Thực hiện chương trình hoạt động của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội năm 2018, từ ngày 07/01 đến ngày 12/01/2018, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc do đồng chí Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát “Về tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số” tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Gia Lai. Tham gia Đoàn khảo sát có đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân hai tỉnh, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Tại Thừa Thiên Huế và Gia Lai, Đoàn khảo sát đã nghiên cứu các báo cáo của các xã, huyện, Sở Tư pháp và UBND tỉnh; Đoàn trực tiếp khảo sát thực địa, nghiên cứu, đánh giá tình hình hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn cơ sở tại xã Hương Nguyên của Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), xã Dun của Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), gặp các gỡ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi làm việc tại cơ sở, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo và giải trình của UBND tỉnh, Sở Tư pháp, các ban ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và Gia Lai.
Qua khảo sát nắm tình hình thực tế, nghiên cứu báo cáo và làm việc với Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp và các sở ban ngành, cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên Huế và Gia Lai, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Lưu Văn Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn khảo sát đã có các ý kiến sơ bộ kết luận:
1. Đánh giá cao công tác chuẩn bị, phối hợp của các tỉnh trong việc thực hiện chương trình đi cơ sở và làm việc của Đoàn khảo sát.
2. Khẳng định ý nghĩa, tính chất phù hợp, những kết quả và tác động tích cực của chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại hai tỉnh trong thời gian qua và đây là cơ sở để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý (2017) trong thời gian tới.
3. Cơ bản nhất trí với đánh giá và ghi nhận kết quả tình hình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Gia Lai, cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
4. Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn, thách thức của hai tỉnh trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của hai tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả hơn chính sách trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Đồng chí Trưởng đoàn khảo sát đã lưu ý, đề nghị hai tỉnh một số nội dung:
- Thực hiện triển khai thiết lập đường dây nóng theo kế hoạch. - Khẩn trương triển khai xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng DTTS trên Đài truyền thanh xã để công tác trợ giúp pháp lý đến với đồng bào hiệu quả.
- Cần phát huy những sáng kiến hỗ trợ cho các hoạt động trợ giúp pháp lý đặc thù, phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường sử dụng cộng tác viên có trình độ pháp lý hoặc am hiểu, biết tiếng DTTS để công tác trợ giúp pháp lý vào được đời sống của đồng bào DTTS; lồng ghép tuyên truyền pháp luật, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, bản có huy động sự công tác tuyên truyền của người uy tín, già làng trưởng bản...
- Cần chú ý huy động nhiều hơn, hiệu quả hơn các nguồn lực xã hội để tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đoàn khảo sát ghi nhận những kiến nghị của tỉnh các mà trong báo cáo đã nêu. Những nội dung đó đoàn sẽ tổng hợp trong báo cáo chung trình Hội đồng Dân tộc và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội./.