Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: Chính phủ đã thống nhất rút gọn tên đề án là "Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi" đồng thời cũng xác định rõ đây là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về một số thực trạng cũng như các giải pháp để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và đề xuất sáng kiến để xây dựng Đề án. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng điều quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ sản xuất trong đó cần phát huy vai trò của Hợp tác xã.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số quan trọng nhất là việc phát triển sản xuất nông nghiệp dựa vào lợi thế của từng vùng với các sản phẩm đặc sản. Khi nhu cầu sức lao động tăng lên, tiềm năng lao động nông nghiệp tăng lên thì đòi hỏi tất yếu tổ chức lại sản xuất và do đó cần hình thành các hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp và phát triển sản phẩm hàng hoá theo chuỗi. Khi tiếp nhận các dự án cần phải thông qua hợp tác xã để để đảm bảo năng lực quản lý các dự án này.
Toàn cảnh hội nghị
Ông Ngô Tất Thắng - Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương - cũng cho rằng việc phát triển hợp tác xã có mối quan hệ gắn liền và biện chứng trong thực hiện chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm mà nhiều địa phương đang triển khai thành công. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cần phải chú trọng các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt nhóm dược liệu. Ngoài ra, thông qua hợp tác xã để đào tạo kiến thức quản trị cho chủ hợp tác xã, chủ doanh nghiệp, đào tạo nghề gắn với nhu cầu hợp tác xã. Đồng thời tổ chức hoạt động theo hợp tác xã hướng đến việc chế biến làm gia tăng giá trị và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
Ông Lê Văn Hẳn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cũng thống nhất quan điểm là phải phát triển kinh tế theo mô hình hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ đại diện cho người nông dân trong xây dựng thương hiệu hàng hoá và bán các sản phẩm nông nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, việc thu mua các sản phẩm đòi hỏi phải truy xuất được nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá, vì vậy nếu không phát triển theo mô hình hợp tác xã thì giá trị các sản phẩm không cao vì không có người bảo hộ sản phẩm. Nếu không có hợp tác xã thì không có pháp nhân, không có người đứng ra đại diện hợp đồng và chịu trách nhiệm với sản phẩm.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, cần chú trọng phát triển các sản phẩm từ rừng và đặc biệt chú trọng vai trò quan trọng của hợp tác xã trong việc phát triển sản xuất.
Về phía ngân hàng chính sách xã hội, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý cũng đề nghị là cần tổ chức sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hợp tác xã để người dân sản xuất theo chuỗi mới hiệu quả chứ để từng hộ sản xuất riêng lẻ thì rủi ro rất lớn về dịch bệnh, năng suất, về sản phẩm... nếu được sản xuất theo dự án, theo chuỗi, theo mô hình sản xuất hợp tác xã thì sẽ giảm bớt rủi ro. Ngân hàng chính sách sẽ cho các hộ dân vay vốn để tham gia vào dự án, chuỗi hoặc cả giải quyết việc làm tại khu vực này để các doanh nghiệp lớn, hợp tác xã vững mạnh cho vay để thu hút lao động đồng bào dân tộc thiểu số hoặc sản xuất mô hình dựa vào thế mạnh của vùng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thống nhất với các ý kiến trên và cho rằng việc xây dựng Đề án cần phải có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất và phát triển hợp tác xã. Đây là một trong những nội dung quan trọng sẽ được tiếp thu và đưa vào báo cáo thẩm tra Đề án của Hội đồng Dân tộc./.