Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án và nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu của Dự án: “Nâng cao vai trò của công nhân và công đoàn ở Việt Nam” do Ủy ban Châu Âu (EU) tài trợ. Dự án được thực hiện từ tháng giêng năm 2009 và hiện nay đang trong giai đoạn kết thúc. Dự án đã thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn bao gồm: xây dựng phương pháp luận về nghiên cứu công nhân, thực hiện nghiên cứu điền dã, xây dựng các báo cáo về kinh nghiệm của quốc tế và châu Âu trong việc nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn và tổ chức các lớp tập huấn cho liên đoàn lao động các tỉnh/thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho biết, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, số lượng công nhân công nghiệp đã và đang tăng lên nhanh chóng, tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, lợi thế cạnh tranh vẫn phải dựa vào lao động giá rẻ, do vậy, thu nhập của công nhân còn rất thấp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong hoạch định chính sách, công nhân công nghiệp thường không thuộc đối tượng điều chỉnh của các chính sách giảm nghèo, nhưng trên thực tế công nhân rất dễ bị rơi vào tình trạng nghèo do tính bấp bênh trong công việc của họ.
Mục tiêu nghiên cứu của Dự án là tìm hiểu điều kiện sống và làm việc của công nhân công nghiệp ở một số tỉnh thuộc Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt công nhân ngành may, ô tô và phụ trợ; tìm hiểu về những nhu cầu và lợi ích của công nhân cũng như hoạt động của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho quyền lợi của công nhân...
Tại các doanh nghiệp được nghiên cứu, tỷ lệ công nhân tham gia vào tổ chức công đoàn khá cao 89,6%, nhưng sự nhận thức của công nhân về công đoàn không rõ ràng, thậm chí có công nhân không biết mình có phải là đoàn viên công đoàn hay không. Hầu hết người lao động cho rằng công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người lao động. Mối quan hệ giữa công nhân với doanh nghiệp phổ biến là quan hệ “một chiều”. Việc đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cũng chưa được diễn ra thực chất... Thiếu vắng kênh đối thoại trực tiếp, công khai và minh bạch giữa công nhân và doanh nghiệp; thiếu diễn đàn để trao đổi và thảo luận…
GS. Pietro Masina, Đại học Naples L'Orientale khi phân tích chính sách công nghiệp và giảm nghèo ở Việt Nam, cho rằng, nâng cao vai trò của công nhân là điều kiện cho tăng trưởng vì người nghèo. Vai trò của công nhân được nâng cao có thể góp phần thúc đẩy quá trình nâng cấp liên tục do các công ty buộc phải tránh tìm kiếm nguồn hỗ trợ và đầu tư vào những công nghệ tốt hơn để bù đắp cho mức lương cao hơn và điều kiện việc làm tốt hơn. Việc nâng cao vai trò của công đoàn và các tổ chức công nhân như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là rất quan trọng để đảm bảo rằng những lợi ích của tăng trưởng công nghiệp được phân bổ đều, góp phần xây dựng xã hội ổn định.
Sau khi nghe các báo cáo của Nhóm nghiên cứu; GS. Pietro Masina & TS. Michela Cerimele, Đại học Naples L'Orientale; và của TS. Salvo Leonardi, IRES, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự.