Hội thảo đã thu hút sự tham dự của trên 80 học giả, nhà nghiên cứu và các cơ quan thông tấn báo chí đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Trung Quốc, Philippin, Maylaisia, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vị trí địa lý Biển Đông và điểm lại tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi, đề xuất giải pháp nhằm giải quyết những tranh chấp ở khu vực Biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan. Điều này phù hợp với trào lưu quốc tế, mong muốn của các nước trong khu vực và những quốc gia có lợi ích liên quan trên thế giới.
Các nhà khoa học đã sôi nổi cùng nhau thảo luận về vị trí chiến lược của Biển Đông, diễn biến mới ở Biển Đông trong thời gian gần đây và tác động của nó đến hòa bình, ổn định của khu vực; phân tích nguyên nhân sâu xa của vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời cũng nêu ra các giải pháp để duy trì hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, trong đó tập trung nhấn mạnh đến cơ chế xây dựng lòng tin, quản lý xung đột và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống... trong bối cảnh quốc tế mới. Có 3 mâu thuẫn chính liên quan đến Biển Đông là lãnh thổ, an ninh và kinh tế, có thể giải quyết từng mâu thuẫn nhưng phải đặt trong tổng thể chung, phải tính đến yếu tố lịch sử, tâm lý và đặc biệt là vai trò của học giả các nước. Cách thức giải quyết mâu thuẫn là chọn những lợi ích gần gũi để cùng hợp tác, xây dựng cơ chế lòng tin, nhưng phải có thiện chí, thể hiện tính tích cực, kiên trì thực hiện.
Các đại biểu Trung Quốc đồng ý với quan điểm là cần giải quyết tranh chấp bằng các cuộc đàm phán hòa bình và tránh không sử dụng vũ lực. Theo các nhà khoa học, để giải quyết tranh chấp Biển Đông thì đàm phán hòa bình tuy lâu dài nhưng là phương án hợp lý và tối ưu, và phải đảm bảo hợp lý về lợi ích cho các quốc gia liên quan. Vấn đề cốt lõi là phải có những căn cứ như Luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông... để làm cơ sở đàm phán. Các đại biểu Philippines khẳng định trong bối cảnh mới hiện nay, nếu giải quyết không dựa trên luật pháp quốc tế và tự giải quyết thì sẽ không có bên thắng mà chỉ có thể tạo ra những tranh chấp và bất đồng lớn hơn.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị mở rộng mạng lưới khu vực (kênh 2) để thu hút các nhà khoa học các nước tham gia nghiên cứu, trao đổi các vấn đề liên quan; đưa thêm vấn đề Biển Đông vào thảo luận trong khuôn khổ ASEAN+3... Mới đây nhất, 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận (ngày 20/6/2011) đưa ra một loạt nguyên tắc cơ bản có thể giúp giải quyết những tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, phá vỡ sự bế tắc từ năm 2002.
Theo quan điểm của ông Barry Wain, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore thì ASEAN cần phải là một bên tham gia giải quyết vấn đề này khi trong tương lai các bên liên quan không thể giải quyết thì cần có sự giải quyết của các tổ chức đa phương.