Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: "Tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ ở mức báo động"

15/05/2008

(HNM) - Luật Xuất bản 2004 được đánh giá là “thoáng” và có độ mở lớn đã tạo điều kiện cho thị trường sách phát triển. Tuy nhiên do hạn chế trong công tác quản lí nên tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến.

Nhân Quốc hội sửa đổi luật này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội về vấn đề này.

- Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thi thoảng vẫn đưa tin sách này, sách kia của các nhà xuất bản bị in nhái. Nhiều nhà xuất bản cho rằng mức xử phạt của luật hiện hành quá thấp đã không đủ sức răn đe, trong luật sửa đổi này có tăng mức xử phạt?

- Kết quả giám sát của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho thấy tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất bản hiện nay đã trở thành phổ biến dưới nhiều hình thức như: lấy cắp bản thảo in hoặc in nối bản không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, phát hành tác phẩm không có nguồn gốc hợp pháp... Những sai phạm này diễn ra do chế tài của luật hiện hành chưa đủ sức răn đe. Chính vì thế Ủy ban VHGDTNTN&NĐ đã đề nghị sửa chế tài còn thiếu và dẫn chiếu các qui định của Luật Sở hữu trí tuệ, các Bộ luật Dân sự, Hình sự. Mức xử phạt chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều (có thể lên tới hàng trăm triệu đồng), tôi tin rằng mức phạt như vậy sẽ hạn chế tình trạng vi phạm, góp phần bảo vệ quyền lợi tác giả và nhà xuất bản. 

- Thực tế hiện nay trên một số trang web, blog, xuất hiện tình trạng tự xuất bản các tác phẩm văn học như truyện ngắn, thơ, thậm chí cả tiểu thuyết mà không cần qua nhà xuất bản nào, tại sao không đưa việc này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Xuất bản sửa đổi?

- Đó là một vấn đề mới, theo tôi được biết, Chính phủ đang cho soạn thảo văn bản qui định về lưu trữ, xuất bản trên mạng.

- Trong khi các nhà xuất bản đều phải vật lộn để kiếm sống thì Nhà xuất bản Giáo dục không những sống khỏe mà lại còn tăng giá sách giáo khoa vào thời điểm này. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Sách giáo khoa hiện không là mặt hàng nằm trong quản lý hay hỗ trợ giá của Nhà nước. Tuy nhiên đây là vấn đề nhạy cảm nên theo tôi không nên tăng giá vào thời điểm này. Nếu Bộ GD-ĐT kiểm tra thấy cần thiết phải tăng mà Nhà xuất bản Giáo dục không lo nổi thì Chính phủ nên hỗ trợ vì so với hỗ trợ cho xăng dầu thì hỗ trợ sách giáo khoa cũng không lớn. Về lâu dài cần thiết phải tìm  kiếm biện pháp để ổn định mặt hàng nhạy cảm này.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

 

Ngọc Tiến

(http://www.hanoimoi.com.vn)