Có thể nói rằng cuộc hành trình 65 năm Hội Nhà báo Việt Nam(HNBVN) đã đủ dài để khẳng định vị trí, vai trò của người làm báo là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong dòng chảy của thời đại. Truyền thống là nền tảng vững chắc, hiện tại là thời gian để tiếp bước, nối dài, phát huy và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đó cũng là những điều mà những người làm công tác Hội hiện nay đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh hơn, khởi sắc hơn, có trách nhiệm hơn trước vận hội mới của đất nước… Ông Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN- bắt đầu câu chuyện như thế trước thềm lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập HNBVN (21/4/1950 – 21/4/2015).
+ Trong lịch sử 90 năm phát triển báo chí cách mạng Việt Nam, thì 65 năm HNBVN là một bề dày đáng tự hào. Truyền thống được ví như ngọn đuốc soi đường. Ông hiện đang gánh vác công tác Hội, ông đánh giá như thế nào về bề dày ấy?
– Chúng tôi luôn nhớ về quá khứ, quý trọng và thực sự biết ơn các thế hệ lãnh đạo Hội, những bậc đàn anh đi trước trong một công việc mà họ đã tạo dựng lên một nền tảng vững chắc, một truyền thống đáng tự hào của giới báo chí. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp cực kỳ gian khổ trên chiến khu Việt Bắc, những người làm báo cách mạng, dưới sự dìu dắt của lãnh tụ- nhà báo Hồ Chí Minh, tập hợp vì lý tưởng cộng sản, đã thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thiếu thốn mọi bề, nhưng những người làm báo cách mạng lúc đó đã làm việc quên mình, vì thành công của cách mạng, đã thực sự thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết. Ngày nay, trong điều kiện làm việc tốt hơn, không lẽ gì mà chúng ta không tiếp bước truyền thống đó, để tiếp tục sự nghiệp cách mạng vì nước, vì dân. Nói cách khác, thế hệ làm báo cách mạng hiện nay được trao sứ mệnh giữ ngọn lửa ấy, tiếp bước truyền thống của cha anh, giữ lửa cho tương lai.
+ Sự “giữ lửa” ấy là động lực, tạo đà để chúng ta đổi mới, phát triển, theo kịp với xu hướng của thời đại. Thưa Phó Chủ tịch, chúng ta đã thực sự tiếp bước xứng tầm với nhiệm vụ của một tổ chức chính trị – xã hội- nghề nghiệp?
– Thật khó để xác định sự xứng tầm! Trong cả chặng đường xây dựng và phát triển 65 năm qua, HNBVN đã từng bước khẳng định được vị thế, phát huy được vai trò của người làm báo cách mạng,n luôn đồng hành cùng dân tộc, theo Đảng, phục vụ nhân dân. Trong thành công của cách mạng, có đóng góp không nhỏ của báo chí, các thế hệ nhà báo. Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, có thể tự hào về điều này. Những thuộc tính chính trị, xã hội, nghề nghiệp của Hội gắn bó hữu cơ với nhau, tạo tiền đề cho các nhà báo phấn đấu thực hiện mục tiêu cuối cùng là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhà nước và nhân dân. Với sứ mệnh đó, trong 65 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã chứng minh một điều hết sức cơ bản là HNBVN là tổ chức duy nhất của tất cả người làm báo cách mạng trong cả nước. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngồi yên trên thành công đó, mà phải luôn sáng tạo, đổi mới cho theo kịp với bước tiến của thời đại. Chỉ riêng sự phát triển của công nghệ thông tin cũng không cho phép nhà báo không học hỏi, giữ tác phong tác nghiệp như cũ. Đó là chưa kể nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ có khác nhau. Người làm báo phải hăng say, nhưng phải bản lĩnh, tỉnh táo.
+ Nhiệm kỳ hiện nay của Hội Nhà báo được đánh giá có nhiều khởi sắc, thực hiện được nhiều hoạt động theo chiều sâu, có sức lan tỏa trong xã hội. Đâu là dấu ấn của nhiệm kỳ này, thưa ông?
– Để trả lời câu hỏi này cần có một cuộc hội thảo để đánh giá, tổng kết. Tuy nhiên, trong lúc đang chuẩn bị hướng tới Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 của Hội, tôi cũng có thể khái quát được phần nào. Trước hết, nhiệm kỳ qua đang tiến gần tới đích vào tháng 8 tới và hầu như không gặp “sự cố” nào. Sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa các cấp Hội mà chúng ta thường thấy trong các dịp tổng kết công tác Hội hàng năm trong tháng 4 cho thấy sức mạnh của tổ chức Hội. Những cơ sở vật chất, những lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, những sự kiện văn hóa, những Hội báo Xuân, những cuộc hội thảo quốc gia, quốc tế, Giải báo chí quốc gia hàng năm do Hội tổ chức cho thấy nỗ lực của hệ thống Hội rất lớn. Một đóng góp lớn lao, không thể không kể đến của đội ngũ người làm báo là những dòng thông tin nhanh nhạy, trung thực không ngừng nghỉ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Đâu đó còn có những sai phạm, yếu kém trong tác nghiệp, nhưng đó chỉ là hạt sạn nhỏ trong dòng chảy báo chí cách mạng vốn bản lĩnh, trung kiên. Cơ quan Trung ương Hội có rất nhiều cố gắng, cố gắng trong mọi mặt công tác, từ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Ban Chấp hành đề ra. Các cấp Hội quan tâm đổi mới tổ chức, hoạt động, nội dung và phương thức công tác để theo kịp sự phát triển của báo chí.
Kết quả từ cuộc gặp làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Hội Nhà báo ngày 23/7/2013 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động Hội trước mắt cũng như lâu dài, nên công tác Hội sôi động hơn, hiệu quả hơn. Có thể nói, sự chủ động, nhiệt tình, sự đoàn kết, nhất trí, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Hội các cấp; sự phối hợp giữa lãnh đạo Hội và lãnh đạo các cơ quan báo chí chính là “chìa khóa” thành công của nhiệm kỳ qua.
Hiện nay, các tổ chức Hội cơ sở đều gắn bó, tích cực tham gia công tác chung của Hội. 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố được lãnh đạo Đảng, chính quyền tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự chuyên trách để hoạt động. Chính vì vậy cán bộ chuyên trách công tác Hội phải tích cực hơn, chủ động hơn. Một “cái được” lớn từ kết luận của Thủ tướng, cho phép các cấp Hội trong toàn quốc áp dụng chung Điều lệ Hội, đã tạo sự thống nhất trong hoạt động Hội. Và trên thực tế mọi mặt đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Hoạt động của các cấp Hội địa phương thời gian qua có những nét mới là gắn bó với nhau, với Trung ương Hội chặt chẽ hơn, triển khai tích cực và có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của Trung ương Hội, tạo thành một khối thống nhất, đoàn kết của người làm báo cả nước. Ngày càng nhiều cấp Hội địa phương có tác giả, tác phẩm báo chí đoạt giải cao trong Giải Báo chí Quốc gia…
+ Năm 2015 quả là một năm ý nghĩa, vừa là kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, cũng là năm bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Nhiều việc đã làm được, nhưng không ít những việc còn bộn bề, thưa Phó Chủ tịch?
– Tất nhiên rồi. Mọi cuộc hành trình đều là những bước đi không ngừng nghỉ. Nhìn lại quá khứ không phải chỉ để tự hào, mà phải nhìn nhận đó là động lực để tiếp bước, đổi mới và làm tốt hơn nữa. Nói đúng hơn là chúng ta còn rất nhiều công việc quan trọng phía trước cho nhiệm kỳ mới, cho những bước đi sau 65 năm. Bộn bề và trăn trở nhiều chứ, bởi cuộc sống luôn vận động. Những thay đổi từng ngày của hoạt động báo chí, hoạt động Hội… sẽ lại đặt ra những nhiệm vụ mới, công việc mới và trách nhiệm mới. Cơ quan Trung ương Hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Hội, chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội. Trước mắt sẽ là chương trình kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2015- 2020 vào tháng 8, sau đó Hội đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên đoàn các nhà báo ASEAN lần thứ 18, dự kiến vào tháng 11. Còn về lâu dài, cho nhiệm kỳ tiếp theo, những người chuyên trách công tác Hội có nhiều việc phải làm, chẳng hạn như công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ở nước ta vừa có tác động tốt, vừa có tác hại xấu tới người làm công tác báo chí, làm công tác Hội. Phải chăng những lệch lạc, khuyết điểm trong hoạt động báo chí cũng có phần khuyết điểm của những làm công tác Hội?!
+ Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực!
Hà Vân (Thực hiện)
Nguồn: Báo Công luận