Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài 2016

22/12/2016

Sáng 22/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài 2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Trình bày tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, về tình hình giao kế hoạch vốn nước ngoài, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng, trong đó: Quốc hội đã thông qua phương án phân bổ 48.700 tỷ đồng cho các bộ, ngành trung ương và địa phương, còn lại 1.300 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết.

Về tình hình giải ngân 11 tháng đầu năm 2016, theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính và của các bộ, ngành trung ương và địa phương tính đến tháng 11 năm 2016, các bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 36.006,058 tỷ đồng, đạt 74,9% kế hoạch, trong đó 09 bộ, ngành trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch.

Về thực hiện cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 19 tháng 12 năm 2016 có 05 bộ, ngành trung ương và 07 địa phương đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 2.296,27 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn đề xuất cắt giảm của Bộ Giáo dục và Đào tạo thấp hơn số vốn tối thiểu phải cắt giảm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, còn lại 04 bộ, ngành trung ương và 20 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch, nhưng chưa có báo cáo đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016. Số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương này và cắt giảm thêm đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo là 2.920,14 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số vốn dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.854,91 tỷ đồng.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tờ trình của Chính phủ đã thể hiện rõ các nguyên tắc, tiêu chí, là căn cứ để cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 như yêu cầu giải ngân đối với các dự án kết thúc Hiệp định năm 2016; cắt giảm toàn bộ kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 của các dự án chưa đủ điều kiện giải ngân; cắt giảm theo tỷ lệ đối với phần vốn của các bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân theo từng nhóm cụ thể. Thường trực Ủy ban tài chính, Ngân sách thống nhất với các nguyên tắc, tiêu chí cắt giảm kế hoạch vốn và kết quả rà soát, cắt giảm vốn như Chính phủ trình với tổng số vốn dự kiến cắt giảm là 5.854,91 tỷ đồng.

Về việc cấp vốn điều lệ cho 2 ngân hàng là 4.482,509 tỷ đồng, bao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.700 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 1.782,509 tỷ đồng theo đề xuất của Chính phủ, theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy ban Tài chính, ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho 02 ngân hàng đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được đáp ứng nên việc bố trí cấp vốn điều lệ để 02 ngân hàng này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao là cần thiết. Hơn nữa, phần vốn cấp cho 2 ngân hàng cũng nằm trong hạn mức vốn dự kiến bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho 2 ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các Hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho 2 ngân hàng hay không.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp          Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, năm 2016 sắp kết thúc, việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn nước ngoài là khá chậm trễ. Không chỉ năm 2016 mà tình trạng này trong những năm qua cũng chưa khắc phục được. Việc giải ngân vốn nhà nước nói riêng hay công tác phân bổ, quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế, phân bổ vốn chưa sát với tình hình thực tế. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn chưa bám sát tình hình, có những đơn vị được phân bổ nhưng không có nhu cầu sử dụng hoặc chưa hoàn thành thủ tục đã được phân bổ hoặc chưa đủ điều kiện phân bổ vốn cũng được phân bổ, dẫn tới việc phải điều chỉnh lại.

Bên cạnh đó, cũng có một số địa phương giải ngân vượt mức vốn bố trí được giao, cũng chưa được giải trình rõ nguyên nhân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích kỹ nguyên nhân, giải trình rõ và có giải pháp chấn chỉnh để năm 2017 có những bước tiến bộ hơn so với năm 2016 và những năm trước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần tổng kết để rút kinh nghiệm, đặc biệt trong việc phân bổ, giao quy hoạch, phân bổ sử dụng giải ngân đối với nguồn vốn ngoài nước như vốn ODA và khắc phục được những yếu kém còn tồn tại.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí việc giảm kế hoach năm 2016 của 11 bộ, ngành trung ương và 28 địa phương do không có khả năng giải ngân đến 31/01/2017.

Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý việc điều hòa vốn, giảm kế hoạch và vốn chưa phân bổ cho các chương trình, dự án theo nguyên tắc phù hợp với Luật ngân sách nhà nước, phù hợp với Luật đầu tư công, phù hợp với các chương trình, dự án đã được Quốc hội quy định trong dự toán ngân sách nhà nước 2016 cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn, đặc biệt đối với 2 ngân hàng là Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng phát triển.

Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ủy ban Tài chính, Ngân sách xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài 2016 và gửi xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, sau đó sử dụng phiếu biểu quyết. Nếu được đa số đồng ý thì Nghị quyết này sẽ được thông qua.

Vân Ngọc