Hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

18/10/2017

Ngày 18/10, tại Hà Nội, nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật giáo dục đại học (sửa đổi), Văn phòng quốc hội phối hợp với Quỹ Hanns Seidel- Cộng hòa Liên Bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay” . Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng và Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng đồng chủ trì hội thảo.

Luật Giáo dục đại học 2012 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý tiến bộ và hiện đại cho giáo dục nước ta với tinh thần cơ bản là đảm bảo khung pháp lý vững chắc trong đó nhà nước tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Qua 5 năm thi hành trong thực tiễn, mặc dù đã có nhiều thành tựu và đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, nhưng giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại nhiều vấn đề. Công cuộc cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam tuy đã có những thành công nhất định, nhưng chất lượng giáo dục đại học vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.

Hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rằng, sự thiếu gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhu cầu về kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cần đến, giữa các cơ sở giáo dục đại học với nhau và các cơ sở đào tạo khác; mối quan hệ lỏng lẻo về khoa học và công nghệ giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp…là nguyên nhân dẫn đến những bất cập chủ yếu trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS. TSKH.Đỗ Nhật Tiến cho rằng, thay vì lập kế hoạch và quản lý hệ thống giáo dục, đào tạo một cách tập trung, theo kiểu từ trên xuống như trước đây, nhà nước cần giao quyền cho các trường đại học, sinh viên, doanh nghiệp và các trường phổ thông để họ có những quyết định đúng đắn trong việc khắc phục những sự thiếu gắn kết nóitrên, phát huy quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo.

Liên quan đến những vướng mắc trong việc phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học, các đại biểu nêu rõ, những năm gần đây, Việt Nam có mức đầu tư lên tới 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục, tuy nhiên việc phân bổ ngân sách cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng còn rất bất hợp lý, dẫn đến hiệu quả thấp. Cụ thể là ngân sách được phân bổ cho các cơ sở đào tạo đại học dựa trên dữ liệu về phân bổ ngân sách của năm trước, tăng hàng năm từ 5-10% tùy khả năng bố trí của ngân sách, mức phân bổ bình quân giữa các ngành đào tạo. Các đại biểu cho rằng, cách phân bổ như vậy không tạo động lực cho các cơ sở đào tạo trong việc đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, các ngành học khó học, các ngành khoa học cơ bản có chi phí đào tạo cao.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính- Sự nghiệp, Bộ Tài Chính, Phó GS.TS Nguyễn Trường Giang, đổi mới mô hình phân bổ ngân sách ở Việt Nam để phù hợp với thực tiễn là một việc làm hết sức cần thiết. Để giáo dục đại học phát triển, cần đa dạng hóa các nguồn tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học theo hướng nguồn thu học phí từng bước được tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng học phí trong cơ cấu nguồn thu tài chính cần phải giảm về tương đối; tạo ra các chính sách đối xử công bằng  thực sự giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập về chính sách đất đai, chính sách thuế, chính sách tín dụng và khả năng tiếp cận các nguồn kinh phí đặt hàng đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cũng đề nghị việc điều chỉnh cơ chế, chính sách cần đảm bảo sự bình đẳng, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập được đầu tư phát triển; thay đổi phương thức đầu tư, ngân sách sẽ cấp trên đầu sinh viên, sinh viên chọn trường nào ngân sách sẽ được chuyển về đó, không phân biệt trường công, trường tư.

Để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, đại diện Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Phó GS.TS Phan Thị Bích Nguyệt cho rằng cần tiếp tục thu hút đầu tư của khu vực tư nhân cho giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, địa phương trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động vốn vay từ các chương trình kích cầu của địa phương. Đồng thời, thu hút vốn ODA và các Quỹ quốc tế tài trợ nghiên cứu; huy động các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp để thành lập cơ sở giáo dục, đào tao 100% vốn nước ngoài và giảm những rào cản về cơ chế, thủ tục gây cản trờ nhà đầu tư nước ngoài vào các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Ngoài ra, một đại biểu cũng quan tâm góp ý về vấn đề xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các trường đại học vì cho rằng, theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đặt ra yêu cầu xóa bỏ cơ quan chủ quản của các trường đại học, song điều này vẫn chưa được thực hiện. Nay giáo dục đại học đã hoạt động gắn với thị trường, các cơ sở đào tạo đa dạng về sở hữu , đào tạo mang tính đa ngành, rộng khắp trong xã hội. Các đại biểu cho rằng, việc tiếp tục duy trì cơ quan chủ quản là không cần thiết, không khuyến khích cạnh tranh bình đẳng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo đại học, dẫn đến chia cắt trách nhiệm quản lý, hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Do vậy, cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 14, phấn đấu đến năm 2020 đạt được mục tiêu xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các trường đại học.

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục về những vấn đề cần đổi mới liên quan mối quan hệ giữa Hội đồng trường, Đảng ủy, Ban giám hiệu trong cơ chế tự chủ đại học; vấn đề tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình xã hội gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học; những thuận lợi, khó khan khi chuyển đổi trường dân lập sang tư thục…

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia và cho biết Văn phòng Quốc hội sẽ chỉ đạo Thư viện Quốc hội tập hợp và tiếp thu tất cả những ý kiến của hội thảo hôm nay làm thành kỷ yếu để gửi đến các đại biểu quốc hội nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật giáo dục đại học (sửa đổi)trong thời gian tới.

Thu Phương