Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy...
Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ làm việc nhanh với UBND tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ có mưa to gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng, cường độ cao, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Đã có 8/9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Yên Bái bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Mưa lũ, sạt lở đất đã làm 28 người chết và mất tích, 9 người bị thương, ảnh hưởng đến 1.937 ngôi nhà (trong đó có 80 nhà bị sập, trôi hoàn toàn, 139 nhà di dời khẩn cấp). 27 công trình giao thông, 7.310m kè, 128 công trình thủy lợi bị hư hỏng. Nhiều công trình trường học, nhà văn hóa cũng bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại tính đến ngày 17.10 ước khoảng trên 700 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt mưa lũ, sạt lở đất này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với lực lượng tăng cường của tỉnh và Sư đoàn 316 của Bộ Tư lệnh Quân khu 2, với tổng số trên 4.000 người ứng phó với mưa lũ. “Ngay trong ngày đỉnh lũ cao đã di dời khẩn cấp 30 người dân trong tình nguy cấp đến nơi an toàn”, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho biết. Tính đến ngày 17.10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 18 người (còn mất tích 10 người), và hiện tiếp tục duy trì tìm kiếm ở 15 điểm trên địa bàn Yên Bái và Phú Thọ.
Hiện 80 hộ dân có nhà sập, trôi hoàn toàn đã được di dời đến nơi an toàn, ở ghép với người thân hoặc các trụ sở công cộng; 112/139 hộ dân phải di dời khẩn cấp đã tìm được đất và đang hỗ trợ dựng nhà. Bước đầu Yên Bái đã hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng/người, người bị thương 2,7 triệu đồng/người; hỗ trợ nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn 25 triệu đồng/nhà, nhà bị hư hỏng nặng 10 triệu đồng/nhà.
Trên cơ sở 8 nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục hậu quả đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ NN - PTNT, Giao thông Vận tải, Xây dựng cử các đoàn công tác kiểm tra đánh giá thiệt hại, nguyên nhân hư hỏng và hỗ trợ giải pháp kỹ thuật xây dựng lại các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, đặc biệt với cầu Thia, kè suối Thua, kè suối Nung. Chính phủ hỗ trợ cấp bách kinh phí từ nguồn dự phòng để khắc phục khẩn cấp 78 công trình giao thông thủy lợi trọng yếu bị hư hỏng nặng trên địa bàn tỉnh, vì nhiều công trình đang cần đầu tư tổng thể mới bảo đảm không bị sạt lở trong thời gian tới. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ cho phép chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 còn dư tại dự án đường Mường La - Mù Cang Chải sang dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu - Bắc Yên để khắc phục thế độc đạo của huyện Trạm Tấu.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ và Đoàn công tác của Quốc hội đến thị sát điểm sạt lở tại thị xã Nghĩa Lộ
Ghi nhận các kiến nghị của UBND tỉnh Yên Bái, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặc biệt biểu dương chính quyền địa phương đã chủ động thực hiện công tác dự báo, kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, tránh tối đa thiệt hại về người. Các lực lượng vũ trang đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, tham gia ngay những ngày đầu tiên đợt lũ, giúp sớm di dời các điểm sạt lở, gia cố đoạn đường hư hỏng, triển khai nhiều hoạt động khắc phục hậu quả thiệt hại mưa lũ khác.
Chia sẻ sự mất mát, đau thương và thiệt hại mà những gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ phải gánh chịu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang cần cố gắng tìm kiếm nhanh nhất những người mất tích; nhanh chóng thu xếp nhà ở, nơi sản xuất mới, sớm ổn định cuộc sống cho các gia đình bị mất nhà. Lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn cần cử cán bộ, chiến sỹ đến từng gia đình giúp dân xây dựng, sửa chữa nhà ở, từ nguồn kinh phí dự phòng của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí ủng hộ khác.
Trong rất nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chính quyền địa phương phải chú ý chỉ đạo, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh; tiến hành quy hoạch dân cư để tổ chức, bố trí người dân đến nơi ở mới an toàn hơn. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, chính quyền địa phương cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, cũng như các khoản tiền ủng hộ của người dân cả nước; minh bạch, công khai trong trao tặng tiền ủng hộ cho mỗi hộ dân chịu thiệt hại, góp phần bảo đảm ổn định an ninh trật tự các thôn, bản sau mưa lũ.
+ Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Đoàn công tác của Quốc hội đã đến thị sát, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn; thăm hỏi một số gia đình có người thân bị thiệt mạng do mưa lũ; tặng quà cho các hộ dân bị sập, trôi hoàn toàn tại thị xã Nghĩa Lộ, Bản Ngoa, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn.