Toàn cảnh phiên họp
Theo Tờ trình của Chính Phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 luật, bao gồm: Luật Hóa chất số 06/2007/QH12; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12; Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11; Luật Dược số 105/2016/QH13; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13; Luật Công chứng số 53/2014/QH13; Luật Trẻ em số 102/2016/QH13; Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13; Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.
Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Chỉ sửa những vấn đề liên quan đến Luật Quy hoạch
Qua thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật để đảm bảo cho việc thực hiện các quy định có liên quan thống nhất với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2019, tránh việc tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản các nội dung sửa đổi, bổ sung đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi cần phải rà soát kỹ lưỡng, không nên có sự thay đổi về chính sách ở các luật mà chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề để bảo đảm cho phù hợp với Luật Quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang- tỉnh Đắk Nông cho rằng, những vấn đề liên quan đến chính sách mà không liên quan đến Luật Quy hoạch thì phải áp dụng thông thường, không đặt vấn đề sửa đổi ở luật này. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động vào hồ sơ dự án luật.
Cân nhắc về tên gọi
Về tên gọi của dự thảo Luật, nhiều ý kiến tán thành tên gọi của Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng nên cân nhắc tên gọi của Luật sao cho ngắn gọn và dễ nhớ hơn vì cho rằng tên gọi của dự thảo Luật như hiện nay là quá dài.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang- tỉnh Đắk Nông phát biểu tại phiên họp
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh- tỉnh Long An cho rằng, đây là luật mà phạm vi tác động rất rộng nên cần phải xem xét hết sức thận trọng và có đánh giá tác động đầy đủ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung cụ thể sửa đổi ở từng luật có liên quan đến Luật Quy hoạch. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp và tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch.