ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH SƠN LA GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THEO ĐỀ ÁN 1956 GIAI ĐOẠN 2011 - 2017 TẠI HUYỆN YÊN CHÂU

25/07/2018

Ngày 24/7, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Quàng Văn Hương, cùng Đoàn công tác đã giám sát việc thực hiện Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 giai đoạn 2011-2017 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Yên Châu.

Quang cảnh buổi làm việc

Thời gian qua, việc triển khai Đề án 1956 trên địa bàn huyện Yên Châu đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Ban Chỉ đạo 1956 huyện Yên Châu phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn;  tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như: Chăn nuôi, trồng trọt; kỹ thuật sơ chế và bảo quản nông sản... Sau 7 năm thực hiện, đã tổ chức 33 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 1.000 học viên. Số lao động tự tạo việc làm sau học nghề chiếm khoảng 80%.

Tuy nhiên, hầu hết các xã còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án như: Chưa triển khai được các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp do số người đăng ký học nghề phân tán, số lượng ít; nhận thức của một số người dân chưa cao, không chủ động học nghề và tìm việc làm; sự phối hợp giữa các cấp, ngành và cơ quan có liên quan trong việc thực hiện dạy nghề còn hạn chế.

Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo 1956 huyện Yên Châu đã đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát một số nội dung về: xây dựng cơ chế, chính sách vay vốn đối với người lao động sau khi được học nghề; có cơ chế hỗ trợ ban đầu cho người lao động tham gia lao động tại các khu công nghiệp.

Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của huyện. Đồng thời, đề nghị huyện Yên Châu tiếp tục quan tâm thực hiện tốt Đề án 1956; chỉ đạo các phòng, ban, các xã rà soát những khó khăn, vướng mắc của các hộ trong việc thực hiện chính sách vay vốn; quan tâm chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm sau đào tạo; tiếp nhận thông tin kịp thời của các hộ dân về nghề nghiệp đào tạo phù hợp; tăng cường tuyên truyền các chính sách đào tạo nghề tới người lao động; quan tâm xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện từng địa phương; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Trước khi làm việc với huyện, Đoàn đã giám sát việc thực hiện Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 tại xã Chiềng Pằn và xã Viêng Lán./.

(Báo Sơn La)