Toàn cảnh tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các đại biểu đại diện Ban soạn thảo, đại diện một số cơ quan liên quan và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường, Viện nghiên cứu và các Hiệp hội nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình
Phát biểu về phương hướng hoàn thiện các quy định về tự chủ đại học, đại diện Ban soạn thảo cho biết, việc tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học được thể hiện trên 03 phương diện: chuyên môn, tài chính và nhân sự. Thực tế, năng lực của mỗi trường đại học ở nước ta có sự chênh lệch, khác nhau. Do vậy, mức độ tự chủ cho các trường đại học cũng cần quy định các mức độ khác nhau. Đặc biệt, quyền tự chủ được quy định đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; trong các hoạt động về chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản phù hợp với chức năng, năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn bao gồm việc ban hành, tổ chức thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chất lượng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học phù hợp với các quy định của pháp luật. Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản bao gồm việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ cơ sở và các quy chế, quy định nội bộ khác để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng phát biểu
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng, một trong những thành tố quan trọng đầu tiên, nhất thiết phải có để đảm bảo tự chủ đại học thành công, góp phần việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo chính là trách nhiệm giải trình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu thiếu một cơ chế giải trình hiệu quả thì tự chủ đại học thậm chí còn đem lại kết quả đào tạo tồi hơn so với khi chưa có tự chủ.
Các đại biểu cho rằng, trách nhiệm giải trình là trách nhiệm cố hữu của các nhà trường, dù đó là nhà trường tự chủ hay không. Tuy nhiên, sự khác biệt về trách nhiệm giải trình giữa nhà trường truyền thống và nhà trường tự chủ là ở chỗ giải trình cái gì, giải trình với ai và giải trình như thế nào. Yêu cầu đặt ra là các hệ thống giải trình phải dựa trên phương pháp luận khoa học, rõ ràng, thực tế, hiệu quả và đơn giản. Việc tiến hành giải trình phải tin cậy, đúng đắn và công bằng. Cả phương pháp luận và kết quả phải công khai.
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm
Để quyền tự chủ thực sự phát huy được hiệu quả, các đại biểu cho rằng, các quy định về tự chủ đại học cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng: tiếp tục làm rõ khái niệm tự chủ, điều kiện tự chủ, nội dung tự chủ, mức độ tự chủ, lộ trình tự chủ để sao cho sau khi Luật được ban hành, từng cơ sở giáo dục đại học có thể biết để tổ chức thực hiện; tiếp tục làm rõ khái niệm giải trình, nội dung giải trình, phương thức giải trình để từng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện đầy đủ khi thực hiện quyền tự chủ; bổ sung chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội.
Cụ thể các quy định liên quan đến Hội đồng trường
Liên quan đến nội dung về hội đồng trường, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần tiếp tục cụ thể các quy định về Hội đồng trường trên các phương diện: năng lực phù hợp với quyền lực được giao; cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường, đảng ủy, Ban giám hiệu; cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường; lộ trình thành lập hội đồng trường tương ứng với lộ trình thực hiện quyền tự chủ. Đồng thời, cân nhắc các quy định về tiêu chuẩn Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng.
Các đại biểu tại tọa đàm
Ngoài ra, các đại biểu nhận định các quy định về Hội đồng trường trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định đảm bảo thực quyền của Hội đồng trường, dự thảo Luật vẫn còn thiếu các quy định về một cơ chế giám sát để đảm bảo có sự kiểm soát quyền lực. Vì vậy, cần xem xét bổ sung một khoản vào Điều 16 về quy định cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong nhà trường đối với việc thực thi quyền lực của Hội đồng trường.
Cần quy định mềm dẻo hơn về tổ chức của cơ sở giáo dục đại học
Về quyền tự chủ trong công tác tổ chức ở các trường đại học, có ý kiến cho rằng, các quy định về tổ chức cơ sở giáo dục đại học trong Luật Giáo dục đại học cũng như trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang là các quy định cứng về tổ chức bộ máy đối với các cơ sở giáo dục đại học, kể cả công lập và tư thục. Việc quy định cứng như vậy sẽ khiến cơ sở giáo dục đại học bị gò bó trong đổi mới cơ cấu tổ chức và kém năng động khi cần ứng phó với các yêu cầu mới nảy sinh trong các lĩnh vực hoạt động của mình.
Đại biểu phát biểu tại tọa đàm
Vì vậy, cần xem xét quy định về tổ chức của cơ sở giáo dục đại học một cách mềm dẻo hơn, hướng tới nguyên tắc chung, không quá đi sâu vào chi tiết để sao cho từng cơ sở cơ sở giáo dục đại học có thể linh hoạt vận dụng phù hợp với sứ mệnh, nhiệm vụ, định hướng phát triển và điều kiện cụ thể của mình.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích, thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền tự chủ trong lĩnh vực nhân sự; quyền tự chủ trong hoạt động hợp tác quốc tế; quyền tự chủ trong mở ngành đào tạo, quyền tự do học thuật; quyền tự chủ trong lĩnh vực tài chính, tài sản…
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng ghi nhận, cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia ; khẳng định đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu nội dung này để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp phần đảm bảo chất lượng, tính khả thi của dự thảo Luật sau khi được ban hành.