LUẬT TRỒNG TRỌT VỚI NHIỀU QUY ĐỊNH TẠO ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT HÀNG HÓA QUY MÔ LỚN

21/12/2018

Luật Trồng trọt vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, quản lý giống cây trồng, quản lý phân bón, hoạt động canh tác…

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 gồm 7 chương, 85 điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm giống cây trồng. Luật Trồng trọt đã tạo khung pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, điểm mới của Luật là một số hoạt động chưa được quy định trong Pháp lệnh Giống cây trồng đã được bổ sung vào Luật Trồng trọt như chiến lược phát triển ngành trồng trọt, cơ sở dữ liệu quốc gia ngành trồng trọt, lưu mẫu giống cây trồng, phân bón, liên kết sản xuất, mã số vùng trồng, canh tác, canh tác hữu cơ, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Phùng Đức Tiến cho biết, Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2019. Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt

Luật Trồng trọt xác định phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng là một trong những nguyên tắc cơ bản. Theo đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt gồm các dữ liệu về văn bản chỉ đạo điều hành, về sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại trồng trọt, về kết quả nghiên cứu khoa học về hoạt động trồng trọt… là hoạt động cần thiết. Hệ thống hóa các thông tin về trồng trọt thống nhất từ Trung ương đến địa phương là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý chuyên ngành trồng trọt các cấp; của doanh nghiệp, người dân để phục vụ các hoạt động, sản xuất, kinh doanh trong hoạt động trồng trọt. Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt được quy định tại Điều 8 của Luật, được xây dựng thống nhất từ trung ương tới địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lý bằng công nghệ thông tin.

Quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại

Một trong những điểm mới của Luật là điều chỉnh các quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và năng lực quản lý, giảm bớt thời gian, chi phí, minh bạch thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Trồng trọt phát triển nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người dân, tạo sự công bằng trong kinh doanh. Xã hội hóa công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận sự phù hợp, tạo lập được dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng.

Việc thực hiện cấp quyết định lưu hành giống cây trồng được thực hiện đồng thời với việc cấp bằng bảo hộ khi chủ sở hữu có yêu cầu. Thay đổi hình thức quản lý giống cây trồng, với các giống cây trồng không phải là cây trồng chính, chủ sở hữu giống không cần thực hiện khảo nghiệm như quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004 mà được phép tự công bố lưu hành giống cây trồng. Cho phép công nhận lưu hành đặc cách đối với các giống cây trồng đặc sản, cây trồng bản địa, cây trồng đã lưu hành lâu dài trong sản xuất. Đối với cây trồng là cây trồng chính trước khi công nhận lưu hành phải thực hiện khảo nghiệm do tổ chức đủ điều kiện nhưng rút ngắn quy trình va thời gian khảo nghiệm, rút bớt các thủ tục thẩm định công nhận lưu hành giống cây trồng. Bỏ quy định ban hành Danh mục giống cây trồng thay bằng hình thức đăng tải các quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính và bản công bố lưu hành của chủ sở hữu đối với giống cây trồng không phải là cây trồng chính trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan quản lý chuyên ngành. Bổ sung quy định việc lưu mẫu giống cây trồng phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý nhà nước cũng như giải quyết tranh chấp quyền sở hữu giống cây trồng. Xã hội hóa công tác khảo nghiệm giống cây trồng và quản lý chất lượng giống cây trồng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn

Luật hóa các quy định về quản lý phân bón và hoạt động canh tác

Các quy định về quản lý phân bón cũng đã được cụ thể hóa trong Luật (điều 36 đến điều 54) nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả phân bón trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng; đơn giản hóa, minh bạch các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển ngành phân bón.

Khoản 1, Điều 6 của Luật quy định phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp quyết định công nhận lưu hành, mỗi tổ chức cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón. Phân bón được cấp quyết định công nhận lưu hành khi đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón và có kết quả khỏa nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, các loại phân bón hữu cơ để bón rễ, phân bón vô cơ đơn, phân bón vô cơ phức hợp bốn rễ chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng N, P, K không cần khảo nghiệm trước khi cấp quyết định công nhận lưu hành. Thực hiện xã hội hóa công tác khảo nghiệm phân bón.

Các quy định về hoạt động canh tác, điều chỉnh hoạt động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững, thiết lập hợp tác liên kết sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo hợp đồng, chứng nhận sản phẩm cũng được luật hóa tại Điều 55 đến Điều 74.

Việc sử dụng và bảo vệ đất canh tác được quy định rõ ràng nhằm sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất, song song việc khai thác phải có trách nhiệm cải tạo, bảo vệ (quy định tại Điều 55, 56, 57). Xây dựng, phát triển sản xuất hàng hóa theo vùng tập trung. Hợp tác, liên kết sản xuất, sản xuất theo chứng nhận, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và theo hợp đồng tạo ra các sản phẩm cây trồng chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Quản lý và cấp mã số vùng trồng tạo điều kiện trong việc quản lý sản xuất, định hướng sản xuất theo yêu cầu của thị trường nhằm giảm thiểu hiện tượng dư thừa sản phẩm, mặt khác cũng tạo điều kiện thuận lợi áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong canh tác cũng được khuyến khích, ưu tiên phát triển đặc biệt trên những vùng có điều kiện khó khăn, ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa nhằm nâng cao lợi thế, phát huy hiệu quả và phát triển bền vững. Phát triển canh tác và bảo vệ canh tác hữu cơ, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ. Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác trên các vùng đất đặc thù như đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Ngoài ra, Luật Trồng trọt cũng bổ sung các quy định về bảo quản, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất sản phẩm trồng trọt. Tăng cường công tác thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến các sản phẩm trồng trọt nhằm hạn chế thất thoát, bảo đảm chất lượng, nguyên liệu đầu vào cơ sở sơ chế chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ an toàn; các phụ phẩm cây trồng phải được thu gom, xử lý, sử dụng phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường; phát triển thị trường và thương mại sản phẩm cây trồng phải gắn với định hướng phát triển sản phẩm từng thời kỳ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm cây trồng vào quốc gia, vùng lãnh thổ./.

Lan Hương