ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM THỰC HIỆN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ

21/12/2018

"Sự “vênh” nhau giữa Luật Đất đai 2013 và Nghị định 01/2017 của Chính phủ khiến quy trình thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật gặp khó khăn..." là kiến nghị của huyện Thăng Bình gửi đến Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khi thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, Pháp luật về Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 trên địa bàn tỉnh”.

Khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai 2013 và Khoản 56 Điều 2 Nghị định số 01/2017 của Chính phủ đã cho thấy sự khác nhau về quy trình thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật, gây lúng túng trong thực hiện. Cụ thể, tại Luật Đất đai chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận sau khi có kết luận của Thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tranh chấp đất đai. Trong khi tại Nghị định số 01 thì quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì quyết định thu hồi.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam giám sát việc quản lý sử dụng đất tại huyện Thăng Bình

Liên quan đến việc 5 dự án taị huyện Thăng Bình đang bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do vướng ở cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. Một số hộ không chịu hiến đất và yêu cầu được bồi thường. Tuy nhiên, nếu tiến hành bồi thường cho những hộ này thì dễ dẫn đến tình trạng những hộ hiến đất ở những đợt đầu sẽ làm đơn khiếu kiện. Còn bồi thường toàn bộ thì huyện không đủ khả năng. Chưa kể giá đất bồi thường trên thực tế thấp hơn thị trường nên người dân không đồng thuận. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam đã có kết luận để các địa phương áp dụng. Tuy nhiên khi mọi thứ đã sẵn sàng thực hiện thì Luật mới ra đời,  mọi công việc đành dừng lại.

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Về kết luận 160, khi huyện Thăng Bình muốn đẩy nhanh tiến độ thì quy ước là đưa lên 1.000m 2 đối với đường liên xã. 1.500m2 đối với đường hẻm. Bây giờ làm xong, công bố niêm yết về diện tích rồi nhưng Luật thay đổi, áp giá thì lại không được, vì Luật chỉ quy định 200 với 300 thôi”.

Ngoài ra, mốc thời gian 15/10/1993 được quy định tại điểm b, khoản 1, điều 100 của Luật Đất đai là căn cứ để xác định công nhận hạn mức đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên tại huyện Thăng Bình thì Sổ địa chính được lập sau mốc thời gian này, sổ đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị 299 không còn lưu trữ. Do vậy huyện Thăng Bình gặp khó khăn rất lớn khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất./.

Mỹ Phượng - Việt Hà