Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp
Giải pháp đầu tiên được Tòa án nhân dân tối cao đề cập tại phiên họp là trên cơ sở các quy định của pháp luật, Tòa án các cấp tăng cường sự phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan khác để thu thập đầy đủ chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án; thường xuyên trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá các tình tiết khách quan của vụ án, nhằm đảm bảo xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em đúng pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng tại Trung ương sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quy trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng. Xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan, tổ chức xã hội trong việc cử các chuyên gia tâm lý - xã hội trợ giúp cho nạn nhân, nhất là trẻ em trong các vụ án xâm hại tình dục khi tham gia tố tụng, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của nạn nhân trong các vụ án này.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cần tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xét xử các vụ án xâm hại tình dục nhằm tổng hợp những sai sót và vướng mắc mà các Toà án thường gặp để kịp thời hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em để áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn hệ thống;
Ngoài ra, theo đại diện Tòa án nhân dân tối cao cần phải tập trung làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán; nâng cao kỹ năng hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục, nhất là đối với người dưới 18 tuổi cho các Thẩm phán khi xét xử, giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng nhằm đảm bảo tiến hành thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, giữ bí mật cá nhân… trên nguyên tắc bảo vệ nạn nhân là người yếu thế.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Trên cơ sở các đề xuất giải pháp của Tòa án nhân dân tối cao, thảo luận tại phiên họp, đại diện Tòa án nhân tối cao vào các đại biểu tham dự cho rằng để khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự trong giải quyết, xét xử các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đề nghị sửa đổi quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng: Điều chỉnh quy định về “tội dâm ô đối với trẻ em” theo hướng cụ thể hơn để các cơ quan tố tụng, các cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả; tránh tình trạng các cơ quan liên quan còn chậm trễ, lúng túng, áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi tội phạm gây ra, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó cần quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh xâm hại tình dục trẻ em trong trường hợp nạn nhân là trẻ em nam, người phạm tội là người đồng tính; quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người thực hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em;
Một số đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng quy trình tố tụng riêng đối với người bị hại là trẻ em để bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh nhất, không gây tổn hại cho các em khi tham gia quá trình tố tụng; quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác; xây dựng chế tài nghiêm khắc cho các hành vi cản trở việc thu thập chứng cứ, cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án trong các vụ án nói chung và các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục để tạo cơ sở pháp lý răn đe, xử lý những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường về con người và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho Tòa án nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Tòa gia đình và người chưa thành niên để việc xét xử đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người chưa thành niên, đặc biệt trong trường hợp người chưa thành niên là người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục./.