THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG (SỬA ĐỔI)

04/05/2019

Sáng ngày 04/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ ngành hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, để chuẩn bị cho phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 tới, Ủy ban Tài chính – Ngân sách tổ chức phiên họp thường trực mở rộng để tiếp tục thảo luận cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nhằm đi đến thống nhất các quy định, hướng đến giải quyết những bất cập hiện hành, đồng thời tạo cho luật có tính ổn định.

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 31 và đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, về cơ bản các ý kiến góp ý đã được tiếp thu, giải trình và thể hiện trong báo cáo và dự thảo Luật.

Theo đó, dự thảo Luật quy định thẩm quyền quyết định danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn là của Quốc hội để bảo đảm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, bảo đảm thể hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp và thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan. Dự thảo Luật không quy định về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân; không quy định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trừ trường hợp đặc biệt; đồng thời bổ sung quy định về tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để làm căn cứ thẩm định nguồn vồn và khả năng cân đối vốn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn báo cáo một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật

Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau như quy định về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C; quy định về thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn…

Liên quan đến quy định về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C, đa số ý kiến cho rằng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như quy định hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện, hơn nữa Luật hiện hành cũng đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công. Do đó, đề nghị giữ nguyên quy định về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia hiện nay. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đồng thời bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ được áp dụng phù hợp trong dài hạn, đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A,B,C tăng gấp 2 lần so với hiện hành, điều chỉnh mức vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 20.000 tỷ đồng.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm bày tỏ ủng hộ với việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia dự án nhóm A,B,C nhưng tăng ở mức bao nhiêu và căn cứ để xác định mức tăng cần phải nghiên cứu làm rõ thêm, xác định các yếu tố tác động để đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ quyết định. Đồng thời lưu ý đến việc lồng ghép các tiêu chí về an ninh quốc phòng, tác động xã hội lớn để xác định dự án trọng điểm quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra ủng hộ với đề xuất của Chính phủ về việc tăng vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị quy định về thẩm quyền quyết định danh mục dự án Kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng, Quốc hội quyết định tổng mức của kế hoạch 5 năm, quyết định nguyên tắc, tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực còn danh mục dự án cụ thể thì giao lại cho Chính phủ và Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định như vậy sẽ bảo đảm quyền lực của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng, quyền giám sát, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện triển khai.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ủy ban sẽ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo, dự thảo Luật. Theo đó, đối với tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, Ủy ban tán thành với phương án cần có sự điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư, tuy nhiên con số cụ thể, mức tăng cụ thể sẽ cần được nghiên cứu làm rõ thêm để bảo đảm chính xác, phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định rõ nguyên tắc thẩm quyền quyết định danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn là của Quốc hội và tùy tình hình thực tiễn Quốc hội có thể ủy quyền để các cơ quan khác quyết định danh mục cụ thể./.

Bảo Yến