ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

22/08/2019

Sáng 22/8, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng chủ trì hội thảo

Tham dự hội thảo còn có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính; đại diện một số bộ, ngành, đơn vị hữu quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quam tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Dự án Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2014; Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/ 2006 và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/ 2007. 02 luật này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và từng địa phương. Tuy nhiên trước gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu, đã xuất hiện một số bất cập lớn như: nguồn lực, kinh phí về phòng chống thiên tai còn hạn chế; việc huy động nguồn lực khu vực ngoài nhà nước tham gia vào công tác phòng chống thiên tai, đê điều còn yếu; việc chỉ đạo, chỉ huy còn nhiều khó khăn do hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong việc phòng chống thiên tai; hành lang bảo vệ đê còn nhiều bất cập. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật đê điều là cần thiết.  

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo tại Hội thảo

Tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dự án Luật sửa đổi sẽ quy định bổ sung một số vấn đề đối với Luật Phòng, chống thiên tai như: Bổ sung công trình giám sát thiên tai vào công trình phòng, chống thiên tai; chính sách ưu tiên cho các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; Đào tạo, huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách hỗ trợ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; Xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương và người làm công tác phòng, chống thiên tai là một trong các nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; Bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương để xử lý khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời để tiếp nhận, phân phối nguồn hỗ trợ, cứu trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai...Đối với Luật Đê điều, bổ sung hoạt động nạo vét luồng lạch; quy định việc sử dung bãi nổi, cù lao; xây dựng cầu qua sông; quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, những ý kiến góp ý về quỹ phòng chống thiên tai, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, nguồn tài chính, kiểm soát an toàn thiên tai…

Góp ý vào Dự luật, đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai thời gian qua. Theo đó, thời gian quan, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ở các địa phương diễn biến phức tạp, nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp tới tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan do việc phát triển dân sinh – kinh tế vùng ven sông, ven biển không theo quy hoạch, xâm chiếm bãi sông, lòng dẫn, bờ biển làm gia tăng áp lực đất lên đường bờ, thay đổi chế độ dòng chảy. Vì vậy, đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đã được quy định về công tác phòng chống thiên tai đó là: Rà soát thực trạng sử dụng đất ven biển, ven sông; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất tại khu vực này. Xây dựng quy định về hành lang an toàn khu vực ven biển, ven sông, kênh rạch phù hợp với thực tế tại địa phương, không để phát sinh công trình nằm trong khu vực không đảm bảo an toàn; thời gian hoàn thành trong năm 2019. Xây dựng kế hoạch, từng bước di dời công trình dân dụng và công nghiệp vi phạm hành lang an toàn khu vực ven biển, ven sông nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở, hướng tới phát triển bền vững; thời gian hoàn thành trước năm 2025.

 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho ý kiến

Ngoài ra, thảo luận tại hội thảo, một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nhận thực rõ để đưa vào các quy định luật việc lồng ghép sự phối hợp của các cấp, các ngành vào phòng chống thiên tai; xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai cho các tỉnh trong 5 năm; xem xét các vấn đề về nguồn để thực hiện phòng, chống thiên tai, trong đó có nhân lực và vật lực…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nên tiếp cận Dự án luật theo theo hướng cả về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, từ đó thể hiện qua tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật cũng cần có cách nhìn đầy đủ hơn. Đi vào cụ thể, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần làm rõ một số vấn đề: khẳng định rõ hơn vai trò của xây dựng quy hoạch phát triển để phòng chống thiên tai; công bố thông tin về cảnh báo thiên tai; tái thiết sau thiên tai; mức độ chính xác của các báo cáo về tình hình thiên tai, đê điều để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Cũng cho ý kiến tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, việc sửa đổi vẫn chưa bao quát hết vấn đề trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và có ảnh hường nặng nề; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần có báo cáo tổng kết cụ thể về thực tiễn triển khai 02 luật trong thời gian vừa qua để nắm bắt rõ ưu, nhược điểm của việc thi hành; có báo cáo đánh giá tác động chi tiết để từ đó đưa ra các vấn đề cần thiết phải sửa đổi bổ sung vừa phù hợp vừa đầy đủ.

Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự luật, đảm bảo để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện nhiệm vụ thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.

Hồ Hương