ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC TIẾP XÚC CỬ TRI

22/08/2019

Chiều 22/8, tại Quảng Ninh, trong khuôn khổ hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ năng tiếp xúc cử tri và kỹ năng chất vấn tại kỳ họp” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các đại biểu tập trung thảo luận về việc đổi mới nội dung cũng như hình thức tiếp xúc cử tri.

Toàn cảnh hội nghị 

Tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định tại các văn bản pháp luật. Đánh giá tình hình tiếp xúc cử tri trong những năm qua, đa số các đại biểu nhận định, hoạt động tiếp xúc cử tri đã có nhiều đổi mới và cải tiến nhất định nhưng chưa tạo ra được bước đột phá, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu giải quyết. Theo ý kiến của ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để hoạt động tiếp xúc cử tri được hiệu quả cần đổi mới nội dung, cải tiến phương thức tiếp xúc cử tri; đồng thời xây dựng đầy đủ, đồng bộ các văn bản pháp luật với tư duy mới về việc tiếp xúc cử tri.

Khẳng định một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm đầu tiên của đại biểu Quốc hội là việc giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho rằng, các quy định chung về tiếp xúc cử tri và các quy định cụ thể về tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội hiện nay đã khá đầy đủ, chi tiết. Để đảm bảo hiệu quả tiếp xúc cử tri, đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của cá nhân khi thực hiện tiếp xúc cử tri. Trong đó, lưu ý việc thực hiện trách nhiệm đại biểu Quốc hội tại Hội nghị tiếp xúc cử tri như: trình bày các báo cáo rõ ràng, ngắn gọn, đảm bảo đầy đủ thông tin; lắng nghe ý kiến cử tri với thái độ cởi mở, thân thiện; xử lý tình huống trong buổi tiếp xúc cử tri;…

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, phát biểu tại hội nghị 

Trong hoạt động tiếp xúc cử tri thì hình thức tiếp xúc cử tri chuyên đề có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Đại biểu Quốc hội tiếp nhận được những ý kiến, phản ánh của cử tri về vấn đề, lĩnh vực, hoạt động mà đại biểu quốc hội quan tâm. Tiếp xúc cử tri chuyên đề có chất lượng, hiệu quả sẽ giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động tham gia giám sát, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Từ thực tế tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Quảng Ninh, Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn đã tổ chức 10 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề của đại biểu Quốc hội; đã có 6 trong tổng số 8 đại biểu Quốc hội thực hiện tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Thông qua tiếp xúc cử tri chuyên đề đã mang lại những hiệu quả cụ thể như: thu thập thông tin cử tri tham gia xây dựng luật; đại biểu Quốc hội có thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát; thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội phát biểu về những vấn đề quan tâm tại các phiên họp của Quốc hội;…. Qua thực tiễn hoạt động tại địa phương, đại biểu cũng đề xuất những kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa việc thực hiện tiếp xúc cử tri chuyên đề. Trong đó chú trọng việc lựa chọn chuyên đề tiếp xúc cử tri; xác định mục tiêu tiếp xúc cử tri chuyên đề; chuẩn bị tốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri; lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri chuyên đề phù hợp; …

Bà Đỗ Thị Lan, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, phát biểu ý kiến tại hội nghị 

Bên cạnh đó, chia sẻ về các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, một số đại biểu cũng đề xuất cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tiếp xúc cử tri đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để từng đại biểu tiếp xúc cử tri thay vì tiếp xúc cử tri theo Đoàn hoặc nhóm đại biểu như hiện nay.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn tập trung phân tích, làm rõ các hình thức tiếp xúc cử tri, điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp xúc cử tri; vấn đề xử lý đơn thư khiếu nại của cử tri. Những kinh nghiệm từ thực tế hoạt động của bản thân cũng như những quy định của pháp luật các nước về hoạt động tiếp xúc cử tri đã được các đại biểu tranh luận sôi nổi.

Chuyên gia Cộng hoà Liên bang Đức phát biểu ý kiến tại hội nghị

Kết luận ngày làm việc thứ nhất của hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đánh giá cao những tham luận cũng như ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo. Qua đó, hội thảo đã có cái nhìn tổng quan về thực trạng cũng như những kinh nghiệm về hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa liên bang Đức.

Theo dự kiến chương trình hội thảo, sáng 23/8, các đại biểu thảo luận về nội dung chia sẻ kinh nghiệm kỹ năng chất vấn tại kỳ họp./.

Lan Anh - Lan Hương