ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THỰC HIỆN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN LUẬT TRẺ EM TẠI HUYỆN CẦN GIỜ

23/08/2019

Việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện cho các em hòa nhập với cộng đồng là việc làm hết sức cần thiết, cần nhanh chóng thực hiện... là một trong những yêu cầu của Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đối với UBND huyện Cần Giờ, tại buổi giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em, ngày 22/8

Toàn cảnh buổi làm việc 

Huyện Cần Giờ có tổng diện tích 70.421 hec ta, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn thành phố. Có thể nói, Cần Giờ là một trong những huyện khó khăn nhất thành phố, là huyện ngoại thành, vùng sông rạch, đông dân và chủ yếu phát triển nông nghiệp.  Đầu năm 2017, toàn huyện có 5.421 hộ nghèo, 3.275 hộ cận nghèo; đến cuối năm 2018, còn 1.051 hộ nghèo, 3.691 hộ cận nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 182 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó trẻ hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ là 102 em.

Ông Dương Ngọc Hải - Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh – nêu ý kiến: "Việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các trường hợp đặc biệt như những em bị khuyết tật, thiểu năng về trí tuệ,...cần phải được chú ý, làm sao tạo điều kiện cho các em này hòa nhập như thế nào? Ở Cần Giờ chúng ta có làm hay không ? Nếu có thì các trường học, lớp học chúng ta tạo điều kiện cho các em này hòa nhập ra sao?..."

Để đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, đặc biệt là trẻ khuyết tật, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ cho biết đã có sự quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các em đến trường cũng như tạo mọi điều kiện cho các em học tập. Bà Trần Thị Hoàng Mai - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cần Giờ – cho biết: "Hiện nay, toàn huyện Cần Giờ có 167 em khuyết tật học hòa nhập tại 16 trường tiểu học của huyện Cần Giờ và 58 em khuyết tật nặng học tại trường chuyên biệt. Đặc biệt, lãnh đạo Huyện cũng rất là quan tâm, đã xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2018 - 2019 một trường chuyên biệt, cũng xây mới, khang trang và đầy đủ điều kiện vật chất. Với môi trường học tập là các em ăn, nghỉ bán trú tại trường với những điều kiện rất là thuận lợi, các em cũng được miễn phí tiền ăn, cũng như các hoạt động giáo dục khác"

Kết thúc buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao kết quả thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 của Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ và cho rằng Huyện đã rất nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động nhằm chăm lo và bảo vệ trẻ em trên địa bàn, trong đó có chăm lo về vật chất, về tinh thần cho các em. Huyện cũng đảm bảo được các chính sách, các chế độ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo qui định của Luật, của Chính phủ. Đồng thời Huyện cũng huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách để chăm lo cho trẻ em; bố trí cán bộ, công chức chăm sóc trẻ em theo đúng qui định, đảm bảo từ huyện xuống xã, ấp, khu phố đều có nhân sự làm. 

Thay mặt Đoàn, bà Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những kiến nghị của Huyện và các ban, ngành có liên quan, tập hợp chung trong báo cáo của Đoàn, gửi đến Uỷ ban nhân dân thành phố và góp ý kiến trước Quốc hội về Luật Trẻ em./.

Vũ Thạch