ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐỒNG THÁP LÀM VIỆC TẠI SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO TỈNH VỀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

20/09/2019

Chiều ngày 19/9, Đoàn dại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp do Phó Trưởng Đoàn Phạm Văn Hòa làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn từ năm 2015 đến ngày 30/6/2019.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở một số địa phương trong tỉnh diễn biến phức tạp do tác động của thông tin, truyền thông, văn hóa phẩm, trò chơi bạo lực, khiêu dâm,… dẫn đến nguy cơ cao nảy sinh bạo lực, xâm hại trẻ em. Số trẻ em bị xâm hại tại cơ sở giáo dục chủ yếu là việc đánh nhau giữa học sinh với học sinh. Từ năm 2015 đến 30/6/2019, trên địa bàn có 66 trẻ bị xâm hại trong học đường, trong đó có 39 trẻ bị bạo lực, 27 trẻ bị xâm hại tình dục.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh kiến nghị các cấp, ngành Trung ương và địa phương tăng cường điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại tình dục trẻ em để xử lý, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm; kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành cơ chế đầu tư xây dựng thêm cơ sở giảng dạy cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tạo điều kiện cho các em được chăm sóc, phát triển tốt hơn.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, làm rõ thêm một số vấn đề như việc tuyên truyền các kỹ năng, những hoạt động giáo dục cho các em về phòng chống xâm hại trên nhà trường; làm rõ tình trạng bạo lực ở các cơ sở giáo dục. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa -  Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng – nêu ý kiến: “Vấn đề đầu tiên tôi muốn nêu ra là các số liệu cần phải làm rõ thêm, cần chỉnh và đặc biệt là từ đó thì chúng tôi rất muốn là chúng ta có những đánh giá xác đáng. Ví dụ như là tình trạng bạo lực mà chúng ta nắm được ở đây chủ yếu nằm trong trường hay ngoài trường, tập trung ở công lập hay ngoài công lập, bạo lực ở trong trường mầm non tư thục có phải là vấn đề của Đồng Tháp không khi mà ở các địa phương khác đây là vấn đề điểm nóng?...”.

Trả lời những vấn đề của Đoàn giám sát đặt ra, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp cho biết, Sở luôn chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương thực hiện việc giảng dạy đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự phòng vệ nhằm giúp các em bảo vệ an toàn cho bản thân. Các nội dung được thực hiện lồng ghép với các hoạt động giao lưu.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa thay mặt Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của Sở Giáo dục và Đào tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua. “Về xâm hại tình dục, bạo lực học đường đều được xử lý tùy theo mức độ….Tôi cho rằng đây là rất đề hết sức quan trọng, trọng tâm mà thời gian qua Sở đã chỉ đạo. Sở cũng đã triển khai và tổ chức đúng các quy định pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em từ Luật, Nghị định, tới những văn bản của UB tỉnh, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng chống bạo lực trẻ em ở học đường tôi cho đây rất là tốt, rất là hay mà các đồng chí xử lý rất kịp thời” - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, cho biết. Đồng thời nhấn mạnh trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, do đó cần phải được quan tâm, bảo vệ chăm sóc chu đáo, giúp các em phát triển toàn diện. Đoàn giám sát cũng đề nghị đơn vị sớm hoàn chỉnh báo cáo gửi về Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, trình Quốc hội xem xét./.

Vũ Thạch