MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ NGÀNH, NGHỀ, ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH CHƯA PHÙ HỢP.

30/09/2019

Trong Hồ sơ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết, một số quy định của Luật Đầu tư 2014 và pháp luật hiện hành về ngành, nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh không được thực hiện hoặc chưa phù hợp, dẫn đến việc thi hành kém hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Trong khuôn khổ phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Luật Đầu tư 2014 đã thiết lập cơ chế kiểm soát chất lượng đề xuất soạn thảo, ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gồm 05 nhóm giải pháp. Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thực hiện, mới chỉ có 01 giải pháp được thực hiện đầy đủ; 01 giải pháp đang được thực thi nhưng chưa kịp thời, đầy đủ và 03 giải pháp còn lại chưa được triển khai; cụ thể là: Giải pháp duy nhất được thực thi đầy đủ là chấm dứt tình trạng các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tùy tiện ban hành quy định điều kiện đầu tư kinh doanh dưới hình thức thông tư, quyết định. Việc đăng tải Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã được thực hiện, song những thay đổi trong nội dung Danh mục này chưa được cập nhật, công bố kịp thời và đầy đủ theo đúng yêu cầu của Luật Đầu tư 2014. Việc định kỳ rà soát, đề xuất bãi bỏ hoặc sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được một số Bộ, ngành chủ động thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư 2014, Nghị định 118/2015/NĐ-CP   mà phần lớn vẫn chỉ được triển khai khi có yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành chưa xây dựng Đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng yêu cầu về hình thức, nội dung quy định tại Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Một số ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh được đề xuất soạn thảo, nhưng chưa có sự giải trình đầy đủ, rõ ràng về sự cần thiết và tính hợp lý theo các tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư 2014. Trên thực tế, tiêu chí về bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng trong một số trường hợp đã bị lạm dụng. Cơ quan soạn thảo chỉ đơn thuần viện dẫn những lý do trên để thuyết minh sự cần thiết phải quy định điều kiện đầu tư kinh doanh mà không phân tích đầy đủ về quy mô, mức độ rủi ro, đánh giá, so sánh các giải pháp khác nhau làm cơ sở để chứng minh sự cần thiết phải áp dụng điều kiện đó.

Ngoài ra, đối với điều kiện đầu tư kinh doanh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ chế giám sát thực hiện nhiệm vụ cải cách hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh chưa phù hợp, kém hiệu quả. Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng phương thức thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu vẫn là giao cho các Bộ, ngành tự rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất mà chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và phối hợp thực hiện. Những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để đo lường mức độ thành công hay thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ này cũng chưa được xác định. Kết quả là, các đợt rà soát, cải cách về điều kiện đầu tư kinh doanh thường chưa thật sự đạt được mục tiêu của Chính phủ cũng như mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Bên cạnh đó, hệ thống điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật còn tồn tại những hạn chế: Không ít ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thật sự đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư 2014 về sự cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng).  Một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh (như yêu cầu phải sở hữu phương tiện, máy móc, thiết bị; quy định thời hạn Giấy phép kinh doanh quá ngắn; yêu cầu nhân viên quản lý hoặc vận hành của doanh nghiệp phải được đào tạo, tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức và thu tiền…). Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định, như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “ phải sạch sẽ”, “ phải thoáng mát”, “ phải thuận tiện”, “phải có đạo đức tốt’, “ phải có đủ sức khỏe”, "phải có trình độ"… Một số điều kiện đầu tư kinh doanh áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây tác động bất lợi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ (như bắt buộc phải thành lập một loại hình doanh nghiệp cụ thể; yêu cầu kinh doanh theo một phương thức nhất định; phải phù hợp với quy hoạch ngành, sản phẩm; phải có mặt bằng, quy mô, công suất sản xuất, kinh doanh tối thiểu hoặc phải sử dụng một loại công nghệ nhất định…).

Hơn nữa, việc rà soát, tập hợp và công bố các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn do một số vướng mắc chủ yếu như: Các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên có cách tiếp cận khác nhau về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Ví dụ: cam kết của Việt Nam trong WTO thực hiện theo nguyên tắc chọn-cho; trong khi Hiệp định song phương về đầu tư với Nhật Bản, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ… thực hiện theo cách tiếp cận chọn- bỏ); Một số ngành hoặc phân ngành dịch vụ mà Việt Nam chưa cam kết trong WTO, nhưng pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về điều kiện gia nhập thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài nên không có cơ sở để xác định điều kiện đầu tư cho các đối tượng này; Do được đàm phán trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau nên phạm vi và mức độ cam kết của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong mỗi điều ước quốc tế chưa có sự đồng nhất (Ví dụ: Hiệp định Đầu tư song phương với Nhật Bản không hạn chế đầu tư của Nhật Bản trong ngành giáo dục, nhưng theo cam kết của Việt Nam trong WTO, nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế về phạm vi hoạt động trong ngành này);

Từ tổng kết thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, những hạn chế nêu trên đã và đang tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không khuyến khích sáng tạo, hạn chế cạnh tranh, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư 2014 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng./.

Hồ Hương