ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM.

30/09/2019

Ngày 30/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã có buổi làm việc với các Sở, ban, ngành của tỉnh Hà Giang về giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vương Ngọc Hà chủ trì cuộc làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Theo báo cáo của Sở lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, trong giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn tỉnh đã có 130 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 06 trẻ em bị tử vong, 10 trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục, 08 trẻ em bị thương tật do bị xâm hại, 106 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại.

Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu là người ruột thịt, người thân thích và các đối tượng còn lại do quen biết nhau qua mạng xã hội. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ của nạn nhân là trẻ em, đặc biệt là các trẻ em gái và lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để tìm kiếm cơ hội thực hiện các hành vi xâm hại. Vấn đề xâm hại trẻ em tác động tiêu cực đến thể chất và tâm lý của trẻ em và tác động tiêu cực đến cộng đồng xã hội. Các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư về phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em, các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em như: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật Trẻ em… ; tích cực xây dựng, phát triển các mô hình "Toàn dân tham gia tố giác tội phạm", "Tổ nhân dân tự quản",  "Giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật tại cộng đồng"...

Tại buổi giám sát, các ngành trong khối tư pháp tỉnh Hà Giang đề nghị Quốc hội cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, có hướng dẫn thống nhất, đồng bộ để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng giải quyết; Cụ thể hóa trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em, tăng nguồn lực vật chất cho các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện các chương trình, đề án Quốc gia về trẻ em; Đẩy mạnh truyền thông vận động xã hội về bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức; Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đề nghị các Sở, ban, ngành tỉnh Hà Giang tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, đôn đốc cơ quan điều tra các vụ án xâm hại trẻ em nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, không sót người, lọt tội gây bức xúc dư luận. Đối với những ý kiến kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tổng hợp, trình Quốc hội tại phiên họp sắp tới./.

Nguyễn Tùng – Đình Anh