Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Quan điểm sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng. Tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, về phạm vi sửa đổi, Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, trách nhiệm quản lý, lập và công bố danh sách người giám định, tổ chức giám định theo vụ việc; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thực hiện giám định; cơ chế phối hợp trong trưng cầu, tiếp nhận và thực hiện vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; thời hạn giám định; yêu cầu đối với nội dung trưng cầu và kết luận giám định; tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với hoạt động giám định tư pháp; xử lý vi phạm trong hoạt động giám định; việc áp dụng quy định của Luật này trong thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan thanh tra. Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: Bổ sung 04 điều (Điều 25a về tiếp nhận trưng cầu giám định; Điều 26a về thời hạn giám định; Điều 34a về xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp, Điều 41a về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước); Sửa đổi, bổ sung 04 điều (Điều 20; Điều 25; Điều 31; Điều 41); sửa đổi, bổ sung 18 khoản và 14 điểm.
Về một số nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung, dự Luật bổ sung quy định trưng cầu giám định trong trường hợp có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau. Để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc cần trưng cầu giám định mà có nội dung chuyên môn liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, dự thảo Luật bổ sung quy định: trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định; trong trường hợp không thể tách riêng để trưng cầu thì người trưng cầu giám định phải xác định rõ cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong Quyết định trưng cầu giám định. Cơ quan, tổ chức được đề nghị phối hợp giám định phải có văn bản cử người có đủ điều kiện tham gia việc giám định gửi người trưng cầu giám định, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thực hiện giám định (khoản 4 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung).
Về bổ sung quy định về tiếp nhận thực hiện giám định, để khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng các cấp hiện nay chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ ở trung ương mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức ở địa phương, gây quá tải cho các cơ quan trung ương, trong khi hệ thống tổ chức giám định ở địa phương đã được thành lập và đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, đủ điều kiện để thực hiện giám định, dự thảo Luật bổ sung Điều 25a về tiếp nhận trưng cầu giám định, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định ở cấp tỉnh, cấp trung ương trong việc tiếp nhận và thực hiện giám định theo trưng cầu của người trưng cầu giám định; đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào tính chất đặc thù và điều kiện thực tế lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý hướng dẫn việc tiếp nhận và thực hiện giám định của cá nhân, tổ chức ở trung ương và địa phương, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Toàn cảnh Phiên họp
Về bổ sung quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu và cá nhân, tổ chức được trưng cầu, để nâng cao trách nhiệm của bên trưng cầu và bên được trưng cầu, khắc phục tình trạng trưng cầu giám định không rõ ràng hoặc né tránh thực hiện giám định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau: Người trưng cầu giám định có nghĩa vụ xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp. Tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm phân công, bảo đảm thời gian thực hiện giám định cho người đã được phân công. Người giám định có trách nhiệm kết luận rõ ràng, nhận xét, đánh giá cụ thể về chuyên môn những nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định (điểm g khoản 1 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung).
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Dự luật xác định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với công tác giám định tư pháp. Nội dung và phân công thực hiện quản lý nhà nước về giám định tư pháp đã được quy định rõ trong Luật giám định tư pháp hiện hành, để tăng cường cơ chế thực hiện, dự thảo Luật bổ sung quy định: Bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý, phân công đơn vị đầu mối thuộc bộ, cơ quan ngang bộ giúp tham mưu trong công tác giám định tư pháp; quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) đối với công tác giám định tư pháp./.