GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH HIỆU QUẢ TRONG PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

31/03/2020

Hiện nay, sự phát triển của Internet đem lại nhiều tiện ích cho con người. Trong thế giới công nghệ số, trẻ em cũng được tham gia vào môi trường mạng từ rất sớm. Bởi thông qua đó, các em được tiếp cận thông tin đa dạng, giúp ích cho việc học tập…Tuy nhiên, không thể phủ nhận, rất nhiều rủi ro có thể xảy đến với trẻ em trên môi trường mạng.

Nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Sử dụng điện thoại từ năm 11 tuổi, khi mới học lớp 6, An một học sinh trường THCS chia sẻ, mục đích ban đầu bố mẹ cho sử dụng điện thoại nhằm mục đích cho việc liên lạc. Tuy nhiên, sử dụng được một thời gian em bắt đầu bị cuốn hút bởi các tiện ích khác của điện thoại thông minh như chơi game, vào mạng xã hội; xem clip;…An cho biết thêm, thời gian em dành cho điện thoại từ 7h -9h giờ mỗi ngày.

Không chỉ An mà rất nhiều các em học sinh khác thuộc nhiều lứa tuổi đã và đang sử dụng ipad; điện thoại thông minh như vật bất ly thân. Tại các cổng trường, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh các em học sinh đang sử dụng thiết bị điện thoại thông minh. Việc tiếp cận với internet, các trang mạng xã hội bên cạnh những tiện ích, đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với các em.

Tỷ lệ trẻ em tham gia vào môi trường mạng ngày càng nhiều

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, dù sự xuất hiện của internet ở nước ta chậm hơn so với khởi đầu của thế giới khoảng 7-8 năm và chậm hơn so với một số nước trong khu vực 3-4 năm, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới.

Số liệu thống kê cho biết, từ 3,1 triệu người dùng năm 2003, tính đến tháng 6/2019 có 64.541.344 người sử dụng internet. Hiện nay, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Ngoài ra, số liệu mới nhất do Unicef công bố, hơn 1/3 số người sử dụng internet ở Việt Nam hiện nay là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi từ 15 - 24. Trong khi đó, đa số người dùng là trẻ em đều thiếu kiến thức về công nghệ số. Ông Đặng Kim Vượng, cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội cho biết, mạng internet rất tốt giúp trẻ em có những không gian để giao lưu và học hỏi nhiều. Nhưng bên cạnh mặt tốt nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng mạng của trẻ thì sẽ có nhiều hệ lụy như: thông itn độc hại, clip bạo lực, phản cảm; ….

Ông Đặng Kim Vượng, cư trú tại quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội 

Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ số đối với đời sống của trẻ em trong việc cung cấp kiến thức, phương thức làm việc, giải trí, tăng cường tương tác xã hội... Nhưng kết quả nghiên cứu trên thế giới và nhiều cơ quan trong nước cũng cho thấy không ít tác động tiêu cực, thậm chí có nhiều nguy cơ, rủi ro với trẻ em trên môi trường mạng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong 3 năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số lượng này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng. Thông qua môi trường mạng, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục (hình ảnh trẻ em bị xâm hại và bóc lột được ghi/quay/chụp lại và phát tán hoặc livestream); tiếp xúc với nội dung bạo lực/nhạy cảm; tiếp xúc nội dung xúi giục tự tử và hành vi tiêu cực khác; gặp những hành vi tiếp xúc và ứng xử không phù hợp (bắt nạt trực tuyến; nhắn tin liên quan đến tình dục); thông tin cá nhân bị thu thập, quảng cáo các sản phẩm không phù hợp; nghiện internet/game trực tuyến.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em. Bên cạnh tác động đến sức khỏe, thậm chí trong một số trường hợp còn tạo sang chấn tâm lý. Vì vậy, việc xây dựng "rào chắn" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là việc làm cấp bách.

Thiếu quy định pháp lý

Quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được ghi nhận tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018. Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh đó, trong năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12.2019, đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111). Tuy nhiên, theo kết quả hội thảo Phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa thực sự đồng bộ. Chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có cơ chế thu thập, giám sát dữ liệu, báo cáo và chuyển tuyến, thông qua các đường dây nóng nhằm báo cáo các tài liệu trực tuyến bị nghi ngờ là bất hợp pháp. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Hoàn thiện khung pháp luật, chính sách

Các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có tác động mạnh hơn đến trẻ em so với hành vi trong đời thực. Bởi thiếu niên và trẻ em là giai đoạn tuổi mà sự phát triển về cả sinh lý, tâm lý có nhiều biến động và thiếu tính ổn định. Mọi tác động từ bên ngoài dù nhỏ cũng rất có khả năng ảnh hưởng lớn đến các em. Vì vậy, cần có giải pháp hữu hiệu bảo vệ trẻ em trên môi trường là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi sự chủ động tham gia của toàn xã hội.

Như vậy, bên cạnh những lợi ích mang lại thì việc trẻ em sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội ngày càng nhiều, cũng đem lại nhiều nguy cơ rủi ro, cũng như xuất hiện các hình thức mới xâm hại và bóc lột trẻ em gây tổn hại về thể chất tình cảm, tâm lý, danh dự nhân phẩm của trẻ. Vậy, cần có những giải pháp cụ thể ra sao nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đại biểu, sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với bất cập trong quản lý trang mạng xã hội đang tác động như thế nào đến trẻ em?

- Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Không thể phủ nhận những rủi ro có thể xảy đến với trẻ em khi tham gia vào thế giới công nghệ là rất lớn. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng tránh trẻ em nghiện game, nghiện mạng xã hội... đang là vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm và cần sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh

- Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Thực tế quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đưa ra tương đối đầy đủ tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018. Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh ban hành quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các bộ ngành, tổ chức đoàn thể và từng đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động để góp phần thực hiện tốt mục tiêu này… Tuy nhiên, trên thực tế chúng tôi nghĩ rằng việc thực hiện trách nhiệm này chưa thực sự đi vào chiều sâu mới đạt kết quả bước đầu.Tôi cho rằng đây cũng là thách thức rất là lớn.

Phóng viên: Thưa đại biểu, cần có những chính sách gì để ngăn chặn, bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng?

- Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trước những nguy cơ, rủi ro của trẻ trên môi trường mạng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cụ thể: tăng khung hình phạt đối với các trường hợp xâm trẻ em trên môi trường mạng,….Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, cần có biện pháp ngăn chặn những thông tin trên mạng tác động xấu, dẫn đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức và các cấp độ khác nhau như chặn một số website, lọc các nội dung xấu, độc… Tôi cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược dài hạn về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

- Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Đề nghị cần có cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng nói riêng. Đồng thời, tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, áp dụng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ trên môi trường mạng, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia tâm lý làm việc tại ngay các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường mạng lành mạnh, trong sạch để khi trẻ em tiếp cận thì hưởng lợi ích nhiều mà tác động tiêu cực ít.

Sự phát triển của Internet đem lại nhiều tiện ích cho con người. Trong thế giới công nghệ số, trẻ em cũng được tham gia vào môi trường mạng từ rất sớm. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ, rủi ro bị xâm hại đối với trẻ em trên môi trường mạng là hiện hữu. Vì  vậy, để phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, theo ý kiến các vị đại biểu cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc tạo dựng môi trường mạng lành mạnh./.

Lê Anh

Các bài viết khác