Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ NỘI DUNG VỐN NHÀ NƯỚC TRONG DỰ ÁN PPP

02/05/2020

Trong Hồ sơ Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trình tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách về nội dung vốn nhà nước trong dự án PPP.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Về quy định vốn nhà nước trong dự án PPP, có ý kiến đại biểu nhất trí với quy định tại dự thảo Luật. Có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong Luật về các chính sách của Nhà nước đối với các dự án PPP, nhất là đối với dự án mà ngân sách nhà nước sẽ tham gia, tham gia ở mức độ nào, tỷ lệ bao nhiều phần trăm trên tổng mức đầu tư, phương thức quản lý tài sản đó như thế nào, có thực hiện theo quy định Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hay không; đề nghị quy định tỷ lệ mức vốn Nhà nước hỗ trợ dự án không quá 49% tổng mức đầu tư dự án để đảm bảo mục tiêu đề thu hút các nguồn lực xã hội giảm gánh nặng ngân sách, tăng tính chủ động, trách nhiệm của nhà đầu tư tư nhân.

Có ý kiến đại biểu cho rằng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 70 (Sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP) về “Chi trả phần giảm doanh thu”là chưa phù hợp. Quy định khoản này liên quan đến quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 83). Đề nghị xem xét tính hợp lý của quy định này về việc vốn Nhà nước chi trả phần giảm doanh thu.

Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 4 Điều 75 (Lập kế hoạch vốn đầu tư công đối với dự án PPP), việc quy định sử dụng nguồn lực dự phòng là không bảo đảm tính khả thi, trong trường hợp thu ngân sách nhà nước không đạt như dự kiến và trong trường hợp cấp bách khác thì nguồn lực dành cho các dự án PPP, chia sẻ rủi ro sẽ không được bảo đảm và sẽ vi phạm hợp đồng PPP đã ký kết với nhà đầu tư, vì dự phòng phải ưu tiên cho những thứ tự theo các vấn đề khác cấp bách hơn và đối với những dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam thì cơ chế xử lý như thế nào; quy định tại điểm c khoản 2 sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán do dự phòng kế hoạch vốn trung hạn không được sử dụng ngay, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng sử dụng một nguồn vốn riêng trong kế hoạch vốn trung hạn để bố trí cho các dự án PPP phát sinh, bảo đảm khả năng thanh toán .

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng nếu dự án không thể bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì cần xem xét lại việc thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn (dự phòng chung không phải là căn cứ để thẩm định nguồn), và chỉ nên xem xét trong kỳ kế hoạch đầu tư trung hạn sau. Do đó, đề nghị bỏ điểm c khoản 2 Điều 75 dự thảo Luật. Trường hợp dự án PPP được cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, cần chỉnh lý lại theo hướng giao Bộ tài chính, Sở Tài chính tổng hợp, bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm tương tự như khoản trả nợ của NSNN. Đồng thời bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định rõ các điều kiện đối với trường hợp quản lý vốn hỗn hợp (vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân), tránh khó khăn trong quá trình giải ngân phần vốn nhà nước, bảo đảm quy trình giám sát, nghiệm thu, thực hiện thanh tra, kiểm tra vì khó tách bạch được vốn đầu tư; việc quyết toán dự án PPP thực hiện tương tự như quyết toán các dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ hạn chế tính chủ động của nhà đầu tư trong quá trình xây dựng, khai thác, vận hành, cung cấp dịch vụ công .

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ chế góp vốn, cơ chế chịu trách nhiệm liên quan của doanh nghiệp tham gia đấu thầu và doanh nghiệp dự án PPP sau khi trúng thầu. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP có được quyền sử dụng dự án PPP để thế chấp vay vốn hoặc có thể góp vốn bằng các loại tài sản khác ngoài tiền như quy định tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) hay không.

Kết luận một số nội dung tại Phiên thảo luận về Dự án Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Dự án Luật vẫn tiếp tục hoàn thiện theo hướng là thu gọn và khẳng định nguyên tắc chỉ những lĩnh vực đầu tư công do nhà nước phải đảm nhiệm, nhưng một doanh nghiệp không làm hoặc không đủ sức làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư, v.v..Đề nghị cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát một số nội dung và kỹ thuật lập pháp, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9 tới đây./.

Hồ Hương