THỂ CHẾ HÓA ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG TRONG VIỆC NGƯỜI VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

02/05/2020

Cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc ban hành luật phải thể chế hóa được đường lối của Đảng và đạt được yêu cầu trong quản lý, khắc phục hạn chế của Luật và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

 

Thể chế hóa được đường lối của Đảng trong lĩnh vực lao động

Tại phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này nêu rõ, dự án Luật phải thể chế hóa được đường lối của Đảng trong lĩnh vực này và đạt được các yêu cầu, mục đích của việc sửa đổi: Một là, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước trong tình hình mới, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hai là, khắc phục các hạn chế của Luật hiện hành; Ba là, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ; Bốn là, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hướng tới mục tiêu chính là nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tri thức để góp phần xây dựng đất nước; Năm là, bảo vệ quyền và lợi ích đối với người lao động, xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)  , Tổng Thư ký Quốc hội đã có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến một cách khách quan, đầy đủ của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của dự án Luật và của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Đồng thời, bổ sung và hoàn thiện các Báo cáo bảo đảm tính cập nhật, thống nhất, có chất lượng để làm cơ sở cho việc thẩm tra, bao gồm: đánh giá tác động chính sách; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; rà soát tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế; công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ; tình hình thực hiện các hiệp định song phương hoặc đa phương hoặc các biên bản ghi nhớ có liên quan đến lĩnh vực này. Bổ sung tài liệu về pháp luật của các nước quy định về lĩnh vực này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý làm rõ sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Rà soát kỹ để bổ sung, hoàn thiện lại dự thảo Luật trên cơ sở các ý kiến thẩm tra sơ bộ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Trước đó, tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng dự án Luật cần quan tâm đến ba nội dung. Một là, tiêu chuẩn người lao động Việt Nam ra nước ngoài bởi theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu người lao động trong nước đi nước ngoài, ngoài chuyện người ta đi tìm nguồn thu nhập, nhưng sâu thẳm bên trong nó còn ẩn náu là thể diện, sĩ diện của công dân một quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho hay, sau khi xuất hiện đại dịch COVID-19 này thì lại xuất hiện một bộ phận lao động bất hợp pháp của Việt Nam ở nước ngoài rất nhiều. Do đó điểm thứ hai cần quan tâm là nhóm quy định cấm. Các quy định cần đủ sức re đe mạnh tay hơn nữa không chỉ đối với người lao động mà còn có tổ chức đưa người đi lao động. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề nghị phải tăng cường gia cố hơn nữa quy định cấm, nên tập trung vào tổ chức dịch vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài. Ba là quy định về bảo hộ công dân tại Điều 75 quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện nhưng cần lưu ý quy định của nước sở tại.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kỳ vọng luật này ra đời sẽ khắc phục được những tồn tại, những yếu kém hiện nay trong công tác đưa người lao động ra nước ngoài. Thứ nhất là chất lượng người lao động ra nước ngoài. Thứ hai là tình trạng tức lừa người lao động khiến người dân phải đi vay tiền hoặc mất tiền nhưng lại không thực hiện được hợp đồng lao động. Hoặc tình trạng đem con bỏ chợ, người lao động vi phạm pháp luật nước sở tại hoặc vi phạm hợp đồng dẫn tới nhiều quốc gia có nhiều lao động có giai đoạn phải dừng hợp đồng lao động với Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài phải mang hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người nhưng mà nhưng thực tế lại chưa đạt được điều đó ở cả hai góc độ là lựa chọn con người và doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, chỉ có khoảng 26-27% là lao động qua đào tạo, trong khi đó số lao động không qua đào tạo, lao động thủ công, lao động chân tay rất đông, lao động này thất nghiệp nhiều cần có hướng giải quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Luật này có quy định trách nhiệm của cơ quan tuyển chọn lao động, có trách nhiệm nâng cao chất lượng của người lao động. Nội dung chuẩn bị lao động phải đề cập đến chuẩn bị chất lượng con người, những người đi lao động phải đảm bảo phẩm chất đạo đức, bảo lãnh của gia đình, người lao động phải được đào tạo trình độ nhất định phù hợp với yêu cầu của hợp đồng lao động. Đồng thời, phải có sự chuẩn bị trước gắn với nhu cầu của thị trường lao động, thậm chí phải ưu tiên cho lao động đi qua các trường nghề, đào tạo nghề, có bằng cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị có chương nâng cao chất lượng lao động và trách nhiệm của người tuyển lao động. Việc tuyển chọn lao động không chạy theo số lượng mà cần lưu ý chất lượng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đem được giá trị, phẩm giá của con người Việt Nam ra quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự án Luật lần này phải gắn việc làm trong nước với đi làm việc nước ngoài để hết thời gian làm việc ở nước ngoài về người ta tìm được việc làm trong nước. Bên cạnh việc phải cải cách thủ tục hành chính để tạo minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, những điều kiện kinh doanh rất là chặt chẽ, Luật cũng cần thể hiện rõ quan điểm xử lý nghiêm tất cả những hành động, hành vi lợi dụng việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc để trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động khi họ gặp khó khăn cần giúp đỡ. Đồng thời lưu ý những nội dung cấm phải ghi trong luật này, không giao cho Chính phủ hướng dẫn./.

Bảo Yến