Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá là một trong những quy định bắt buộc nhằm tăng cường kiểm soát tàu cá khai thác bất hợp pháp và không theo quy định (IUU). Đồng thời, việc giám sát hành trình tàu cá còn giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được quy trình đánh bắt đồng thời hỗ trợ bà con ngư dân tiền nhiên liệu khi đánh bắt tại vùng biển xa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đã thấy xuất hiện dấu tự ý tháo gỡ các thiết bị (máy dò chụp, máy dò ngang, thiết bị giám sát hành trình, máy nhắn tin) được trang bị trên tàu cá để gắn lên các tàu cá khác nhằm trục lợi chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Chính phủ. Ông Huỳnh Ngọc Dự, ngư dân tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết việc trục lợi được diễn ra. Cụ thể, họ sắm chiếc tàu nhỏ, tàu gỗ để đi ra ngoài câu. Họ cũng có trách nhiệm giữ biển đảo chứ không phải không, nhưng tàu họ đi là tàu nhỏ. Khi đi có mang theo máy nhắn tin, khi đến vùng biển xa đủ để nhận tiền hỗ trợ họ sẽ nhắn tin về máy giám sát hành trình để lấy tiền dầu này
Tình trạng này được ghi nhận tại nhiều địa phương, điển hình tại tỉnh Quảng Nam, Ngày 13/11/2019 cơ quan cảnh sát điều tra Công An tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 20 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc khai khống các chuyển tàu đánh bắt xa bờ để trục lợi kinh phí hỗ trợ nhiên liệu của nhà nước, trong đó có 4 bị can bị bắt tạm giam 4 tháng.
Đối tượng Nguyễn Văn A
Theo đó, thực hiện chủ trương khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và khai thác hải sản trên vùng biển xa, song từ đầu năm 2019 đến nay, các đối tượng là chủ tàu (có hộ khẩu thường trú tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) không thực hiện việc đánh bắt xa bờ nhưng vẫn gửi danh sách các thuyền trưởng và thuyền viên cho cơ quan chức năng xác nhận. Các đối tượng này cũng mở niêm phong máy định vị tầm xa, gửi cho các tàu cá đi đánh bắt xa bờ để số tàu này đến khu vực có tọa độ được Nhà nước quy định hỗ trợ tiền nhiên liệu, sau đó nhắn tin gửi về cơ quan chức năng để xác nhận vị trí chuyến đi, làm thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ nhiên liệu. Mỗi chuyến chủ tàu thanh toán từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đối tượng Nguyễn Văn A cho biết từ đầu năm 2019 đến nay đã nhận tổng cộng 13 máy đem ra ngoài khơi để nhận toạ độ cho chủ tàu nộp giấy nhận nguyên liệu. Mỗi lần ra khơi như thế thoả thuận với chủ tàu 1 máy sẽ nhận được 50 triệu đồng
Theo Quyết định số 48/2010, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển tàu có công suất từ 90 CV - 150 CV hỗ trợ 22.000.000 đồng; từ 150 CV - 250 CV hỗ trợ 30.000.000 đồng; từ 250 CV - 400 CV hỗ trợ 55.000.000 đồng; từ 400 CV - 700 CV hỗ trợ 75.000.000 đồng; từ 700 CV trở lên hỗ trợ 100.000.000 đồng.
Quyết định số 48/2010
Lợi dụng chính sách hỗ trợ tiền nhiên liệu tại vùng biển xa các đối tượng đã trục lợi hơn 3 tỷ đồng. Đến nay Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh Quảng Nam đã đã thu hồi trên 2,40 tỷ đồng. Vụ việc trên cũng là lời cảnh báo, răn đe các đối tượng có ý định lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển để trục lợi. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam khẳng định Trong vấn đề triển khai chính sách 67 không có trục lơi. Chỉ duy nhất liên quan đến vấn đề hỗ trợ dầu, đây là chính sách rất nhân đạo của nhà nước trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Nhưng thời gian qua cũng có 1 số tầu thuyền lợi dụng chính sách này để dùng máy nhắn tin, nhắn về bờ. Không tổ chức đi sản xuất mà gửi máy nhắn tin ra khu vực đánh bắt để gửi tin nhắn về bờ để trục lợi chính sách. Do đó ngư dân nào làm thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam
Không chỉ ngư dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa khởi tố đối với 2 đối tượng là công chức của Chi cục Thủy sản tỉnh về hành vi nhận hối lộ. Hai đối tượng gồm Trần Quốc Việt, 57 tuổi, Trưởng phòng tàu cá và dịch vụ tàu cá; Nguyễn Huỳnh Nam, 40 tuổi, Phó Trưởng phòng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Nam. Kết quả điều tra ban đầu xác định, 2 đối tượng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra niêm phong máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh VX1700 trên các tàu cá để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền nhiên liệu đánh bắt xa bờ. Trong quá trình kiểm tra phát hiện máy niêm phong VX1700 bị hỏng, dây điện liên kết bị đứt nhưng 2 đối tượng đã nhận 70 triệu đồng để hứa hẹn bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong, tạo cơ hội cho các chủ tàu được thanh toán hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu. Cả 2 đối tượng trên đều có liên quan đến vụ lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển trục lợi hơn 3 tỷ đồng, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố 20 ngư dân, bắt tạm giam 4 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào tháng 11/2019.
Công an đọc quyết định khởi tố đối tượng Trần Quốc Việt
Ông Ngô Tấn cho biết thêm Hiện nay, một số bộ phận nhỏ ngư dân đã làm ảnh hưởng đến chính sách này. Cho nên hiện nay pháp luật đã thực hiện rất nghiêm khắc và đây cũng là bài học quan trọng quan trọng cho Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Sở NN&PTNT và Chi cục thuỷ sản nói chung sẽ tăng cường các công tác, giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất, đi đến không còn tình trạng trục lợi. Tăng cường niêm phong thiết bị để tránh tình trạng tháo ra. Ngoài ra trong quá trình niêm phòng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và cảnh cáo ngư dân nào có vấn đề, tư tưởng để làm việc sai trái để trục lợi. Còn về vấn đề tổ chức triển khai niêm phong đã có quy chế để huy động các sở ngành, địa phương để tham gia niêm phong và thanh tra kiểm tra. Tăng cường công tác quản lý để xử lý tình trạng này.
Đây chỉ là số ít các ngư dân lợi dụng chính sách để trục lợi nhưng chúng ta cũng không thể để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Vụ việc trên cũng là lời cảnh báo, răn đe các đối tượng có ý định lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển để trục lợi. Trước thực trạng đó Đại biểu Phan Thái Bình đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về tình trạng này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất ván của Đại biểu
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ghi nhận ý kiến phát hiện của đại biểu. Theo đó, chính sách của nhà nước là khuyến khích, hỗ trợ ngư dân, nhất là hậu cần để tham gia chuyến biển khơi, vừa làm kinh tế, vừa góp phần tham gia an ninh chủ quyền, mỗi chuyến là được 40.000.000-60.000.000 tùy từng dạng tàu, do đó điều này rất dễ làm nảy sinh trục lợi. Giải pháp cho vấn đề này hiện có 2 nhóm giải pháp: Một là thực hiện ngay Luật Thủy sản, người đánh bắt phải tham gia đăng ký thiết bị định vị hành trình để theo dõi hành trình. Nếu tàu nào không làm thì sẽ vi phạm Luật Thủy sản mới ban hành. Qua đó, sẽ không cấp phép cho nữa. Cần áp dụng đồng bộ mạnh tay, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ vào. Thứ hai, sẽ rà soát lại các khâu, kể cả các chi cục thủy sản, đề nghị các tỉnh nếu phát hiện ra chi cục thủy sản nào có việc này, dứt khoát thái độ của tỉnh là đồng tình sẽ xử lý kiên quyết.
Nghị định 67 và nghị định 48 của Chính phủ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần phát triển ngành Thủy sản theo hướng công nghiệp và bền vững. Nhưng nguyên nhân do đâu khiến việc trục lợi chính sách này lại diễn ra? Thực trạng hiên nay của vấn đề này đang như thế nào? Và giải pháp gì để hạn chế, răn đe các đối tượng lợi dụng các chính sách để trục lợi ? Phóng viên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phan Thái Bình để làm rõ hơn về vấn đề này
Phóng viên: Trước tiên xin cảm ơn đại biểu đã nhận lời trả lời phỏng vấn. Thưa đại biểu, thực trạng việc trục lợi chính sách từ Nghị định 67, nghị định 48 hiện nay tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam là như thế nào thưa đại biểu? Và hiện quá trình xử lý những trường hợp trên đang được thực hiện như thế nào?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Theo thông tin chúng tôi nắm được thấy rằng lợi dung chính sách này có 1 số trường hợp. Không phải chiếm số lượng lớn đâu nhưng đã xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách. Mà thực trạng này có 1 số hành vi trục lợi như thế này: Thứ nhất, chúng ta đang quy định nhà nước hỗ trợ dầu cho các tàu đánh bắt xa bờ và trên mỗi con tàu đều gắn các thiết bị định vị, thì khi con tàu này ra vùng biển khơi đến toạ độ nhất định đảm bảo vị trí xa bờ thì bật các định vị này lên, các đơn vị liên quan nhận được tín hiệu thì khi quay về từng chuyến tàu sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền dầu. Tuy nhiên có một số ngư dân lợi dụng chính sách này để chỉ 1 con tàu ra khơi nhưng tháo rất nhiều thiết bị định vị ở các con tàu khác mang trên 1 con tàu đó để ra vùng được hỗ trợ dầu bật tất cả thiết bị định vị lên và làm thủ tục thanh toán. Như vậy xăng dầu thực tế chỉ đi 1 con tàu nhưng thanh toán đến cả chục con tàu. Thực trạng này theo thông tin chúng tôi nắm được là ở Bình Định đã xảy ra và các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Định, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã khởi tố và xét xử rồi. Vấn đề thứ 2 là Quảng Nam, hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố và đang điều tra. Theo thông tin chúng tôi nắm được từ cơ quan điều tra thì đã khởi tố 20 ngư dân về tội lừa đảo, trục lợi chính sách thông qua thanh toán tiền dầu. Đồng thời khởi tố 2 cán bộ của Chi cục thuỷ sản liên quan đến vấn đề thanh kiểm tra không chặt chẽ, bỏ qua lỗi vi phạm của chủ tàu dẫn đến việc bị lợi dụng chính sách trong thời gian dài. Thông tin riêng của quý I năm 2019 cơ quan điều tra đang làm của 1 xã thì đã chiếm dụng thông qua việc trục lợi này là 2,7 tỷ đồng. Hiện nay cơ quan điều tra đã thu hồi được 2,6 tỷ đồng vào ngân sách. Và việc điều tra vẫn đang được diễn ra triệt để, nghiêm túc để làm sao thu hồi được tối đa số tiền bù vào ngân sách.
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Phóng viên: Trên thực tế, đâu là những nguyên nhân khiến việc trục lợi chính sách đã và đang diễn ra?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách này có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan. Các nguyên nhân khách quan thì là do quy định pháp luật khi triển khai thực hiện chính sách này, đặc biệt khi chúng ta quy định thanh toán tiền hỗ trợ xăng dầu cho tàu đánh bắt xa bờ bằng các thiết bị định vị mà các thiết bị định vị này được niêm phong, kẹp chì gắn liền với các con tàu. Tuy nhiên chúng ta quy định là như vậy nhưng việc kiểm tra giám sát và niêm phong lại rất đơn giản cho nên các chủ tàu có thể tháo rời đi bình thường. Tàu thì để trong cảng nhưng thiết bị định vị lại ra ngoài khơi, nên mới có tình trạng 1 con tàu chở chục, vài chục định vị ra để về thanh toán. Như vậy quy định về công tác quản lý thiết bị, lộ trình của các con tàu chưa chặt chẽ. Nguyên nhân nữa là do công tác kiểm tra, thanh tra, chưa được thường xuyên và cũng chưa chặt chẽ. Nếu chúng ta thanh tra, kiểm tra chặt chẽ thì rõ ràng là không có lợi dụng được và nếu có phát hiện sẽ chấn chỉnh kịp thời. Thứ 3 tôi cho rằng rất quan trọng và có lỗi chủ quan rất lớn mà qua điều tra vụ án thấy đó là có việc bỏ qua lỗi. Hiện nay cơ quan điều tra chưa phát hiện được việc có thông đồng hay không nhưng rõ ràng ở đây có thiếu trách nhiệm của các cán bộ quản lý nhà nước. Ví dụ như Quảng Nam là 2 cán bộ của Chi cục Thuỷ sản khi kiểm tra các con tàu đã phát hiện tháo rời niêm phong nhưng bỏ qua lỗi này và không lập biên bản xử lý ngay và nhận hối lộ, nhận tiền để bỏ qua. Cho nên cơ quan điều tra đã khởi tố các ngư dân về tội lừa đảo, nhưng các cán bộ bị khởi tố về tội nhận hối lộ. Vì bỏ qua lỗi nên dẫn tới việc ngư dân phạm tội trong thời gian rất dài. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Phóng viên: Vậy để hạn chế những đối tượng lợi dụng chính sách này để trục lợi, theo đại biểu chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì, và xây dựng chế tài xử phạt như thế nào để tránh việc trục lợi chính sách?
Đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Trước hết chúng ta thấy từ nguyên nhân đó nên phải có các giải pháp. Trước tiên các chính sách pháp luật còn tạo ra lỗ hổng chưa chặt chẽ thì tôi cho rằng Bộ NN&PTNT chủ trì việc này cần phối hợp với cơ quan điều tra, bộ Công an, Ngân hàng nhà nước kiểm tra xem các chính sách chúng ta đã ban hành. Đặc biệt là triển khai hướng dẫn thực hiện có gì bất cập cần chấn chính ngay. Ví dụ như công tác liên quan đến thủ tục thanh toán, vấn đề kiểm soát tàu thuyền khi ra khơi thì chúng ta phải có hành lang pháp lý chặt chẽ. Thứ 2 là phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất là việc quan trọng. Vì nếu làm thường kỳ thì ngư dân sẽ đối phó được. Thứ 3 là khi phát hiện vi phạm phải xử lý chấn chỉnh ngay, tránh việc thông đồng, lợi dụng từ nhiều phía để rồi trục lợi làm thất thoát ngân sách nhà nước. Và điều quan trọng là khi phát hiện phải xử lý nghiêm minh và thu hồi triệt để các tài sản của nhà nước. Ví dụ như các dự án đang điều tra thì trong quá trình điều tra tài sản nào thất thoát thì phải thu hồi. Đồng thời phải xử lý nghiêm minh để răn đe và phòng ngừa chung. Tôi cho rằng đấy là những giải pháp trong thời gian tới cần hết sức tập trung chỉ đạo. Đặc biệt ban hành các hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ những vấn đề này.
Lợi dụng chính sách để trục lợi là hành vi đáng lên án, gây ảnh hưởng tới thực thi pháp luật, tính nhân văn của chính sách mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực tới chính cuộc sống của ngư dân. Những vụ việc ở trên cũng là lời cảnh báo, răn đe các đối tượng có ý định lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển để trục lợi. Đồng thời, chỉ ra những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách, nhằm kiến nghị, đề xuất Chính phủ, ban ngành kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục, ngăn chặn thất thoát tiền của Nhà nước./.