Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của miền Trung. Theo báo cáo, năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 798 trường, trong đó 279 trường mầm non; 246 trường tiểu học; 216 trường THCS; 57 trường THPT; 2 Trung tâm GDTX; 191 trung tâm học tập cộng đồng; 85 trung tâm tin học - ngoại ngữ; 9 đơn vị giáo dục kỹ năng sống và 6 trung tâm tư vấn du học. Tổng số học sinh các cấp trong năm học vừa qua là 349.247 em, trong đó trẻ mầm non 82.458; học sinh tiểu học 129.229; học sinh THCS 89.002; học sinh THPT 48.558. Toàn ngành hiện có 23.178 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn: Mầm non 59,6%; Tiểu học 87%; THCS 58% và THPT 8,2%.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đức Dũng
Chất lượng giáo dục địa phương những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Quảng Nam dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ở 9 huyện miền núi có 86 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 26 trường mẫu giáo, 37 trường tiểu học, 20 trường THCS, 3 trường THPT) chiếm tỷ lệ 34,96%. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và THCS tiếp tục được duy trì. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm đều cao. Chất lượng mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng và chất lượng giải các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020 cao nhất từ khi tái lập tỉnh.
Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cơ bản bảo đảm đúng theo quy định. 100% cơ sở giáo dục tiểu học bảo đảm phòng học cho lớp 1 dạy học 2 buổi/ngày trong năm học 2020 - 2021. UBND tỉnh đang tiến hành thẩm định đề cương tài liệu giáo dục địa phương các cấp học và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1. 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 đã được bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng module 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Như ở huyện Bắc Trà My, đa số đơn vị trường học hiện nay có nhiều điểm lẻ, khoảng cách xa điểm chính nên việc bố trí giáo viên giảng dạy bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, cũng như việc phân công giáo viên dạy tại các điểm trường thôn rất khó khăn. Một số trường học trên địa bàn thiếu phòng học dạy các môn như mỹ thuật, âm nhạc; nhiều trường chưa có thư viện đạt tiêu chuẩn, thậm chí sử dụng phòng học làm thư viện; thiết bị dạy học cũ...
Vì thế, để thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Quảng Nam đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các huyện miền núi. Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông kịp thời để việc triển khai lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương không bị động…
+ Trước đó, ngày 20.7, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và thăm một số cơ sở giáo dục trên địa bàn.