HÌNH ẢNH HỘI NGHỊ GIẢI TRÌNH VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT, SINH HOẠT VÀ QUẢN LÝ AN TOÀN HỒ, ĐẬP

17/08/2020

Sáng ngày 17/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát, nghiên cứu tại 14 tỉnh đại diện cho các vùng, miền của cả nước; giải trình của 2 Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ý kiến trao đổi của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, qua đó làm nổi bật lên những vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, đời sống và quản lý an toàn hồ đập.

Hội nghị được tổ chức nhằm hướng tới xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội nghị: 

Toàn cảnh Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như:  Luật Tài nguyên nước, Luật thủy lợi, Luật bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thủy văn… đang đòi hỏi cần có giải pháp để quản lý tổng thể các ngành kinh tế sử dụng nước để bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao tính thích ứng của nền sản xuất...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, mục đích của giám sát này là đánh giá đúng tình hình về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, từ đó có các kiến nghị, giải pháp đúng tới Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Chúng ta đang nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược phát triển đất nước, phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, nên chủ đề giám sát là vấn đề lớn cần được nghiên cứu, trao đổi kỹ lưỡng để có định hướng dài hạn trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước những thách thức về an ninh nguồn nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Bộ đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thủy lợi (ban hành Luật Thủy lợi và các Nghị định, thông tư liên quan); Chính phủ đã ban hành Chiến lược Thủy lợi và hiện nay, Bộ đang xây dựng Quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai quốc gia, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề về an ninh nguồn nước của từng vùng....

Đại biểu Trần Xuân Hùng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phương án bảo vệ phát triển hệ sinh thái ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, đây là khu vực rất mầu mỡ nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, thay đổi triều cường, thay đổi hướng gió và do tác động của tổ chức quy mô niền kinh tế, khai thác tài nguyên như cát, sỏi không đúng quy hoạch, trật tự khiến cho hệ sinh thái ở đây bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 120 để tính toán lại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể thích ứng được với sự biến đổi khí hậu và yếu tố thượng nguồn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại đời sống dân cư. Theo đó, phải xây dựng được đề án phát triển, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng mới. Bên cạnh đó là xây dựng đề án phát triển hệ thống thủy lợi thích ứng với cơ cấu sản xuất mới...

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu tham dự đặt ra câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực lưu vực sông, đặc biệt là lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy. Theo đó, ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn, tại các làng nghề và nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp chưa được xử lý.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Mức độ ô nhiễm chung trên các lưu vực sông ở phía thượng nguồn cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đầu tư hệ thống quan trắc để giúp cho việc điều tiết nguồn nước. Còn về lầu dài, cần có sự điều tiết nguồn nước ở các lưu vực sông, phát triển nền kinh tế xã hội, sắp xếp lại khu dân cư, tính toán di dời các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường... để kiểm soát được nguồn nước thải.

 Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ đã đánh giá được lượng nguồn nước thải ra các dòng sông. Chính phủ đã giao cho các địa phương khi xác định được nguồn nước thải để xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý còn chậm do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng. Dự án đầu tư xử lý nước thải ở các con sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2023 mới hoàn thành. Ngoài ra, phải có sự điều chỉnh nguồn nước vào mùa khô để giảm nồng độ ô nhiễm.

Phát biểu chỉ đạo định hướng quản lý an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định chúng ta cần phải đặt ra mục tiêu, phương châm chỉ đạo và các giải pháp để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, xử lý được các vấn đề lâu dài do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn và thiếu nước ngọt cho cả hiện tại và tương lai. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng đề án phát triển và đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất. Trên cơ sở đó có thể xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn./.

Bùi Hùng

Các bài viết khác