ĐBQH LƯU THÀNH CÔNG GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

24/02/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Lưu Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu, giải thích thêm 2 khái niệm "khu vực biên giới" và "vành đai biên giới".

Đại biểu Lưu Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lưu Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đại biểu cho rằng đã hội đủ điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Qua nghiên cứu đại biểu cho rằng còn một số nội dung cần Ban soạn thảo xem xét thêm trong quá trình hoàn thiện luật.

Vấn đề thứ nhất, tại Điều 2 phần giải thích từ ngữ có 3 khái niệm đã được Ban soạn thảo lựa chọn để giải thích. Đại biểu cho rằng nội dung giải thích khá rõ ràng, phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ có 2 khái niệm được sử dụng rất nhiều trong dự thảo luật nhưng chưa được giải thích, đó là khái niệm "khu vực biên giới" và "vành đai biên giới". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu, giải thích thêm 2 khái niệm này để có cách hiểu thống nhất để trên cơ sở đó chúng ta có những chính sách đầu tư cho các khu vực này một cách thỏa đáng, cũng như có những quy định, những điều cấm cho phù hợp trong quá trình bảo vệ biên giới quốc gia.

Vấn đề thứ hai, tại Điều 9 quy định về biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân gồm 2 khoản quy định rất nhiều vấn đề nhưng đại biểu cho rằng còn chung chung, chưa rõ ràng. Để thể hiện trách nhiệm của nhân dân trong việc xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo biên tập lại nội dung này, bổ sung thêm 4 vấn đề:

Một là, vận động lực lượng quần chúng theo hướng xung kích, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ biên phòng trong mọi trường hợp, đặc biệt là những tình huống khẩn cấp.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chính sách chiến lược của Đảng, Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia, các chính sách ngoại giao, phát triển kinh tế, đời sống xã hội, khoa học kỹ thuật ở khu vực biên giới nhằm tạo dựng và thúc đẩy xây dựng đời sống của nhân dân khu vực biên giới phát triển ổn định, an toàn.

Ba là, trang bị các phương tiện kỹ thuật mang tính chuyên nghiệp nhằm ứng phó kịp thời với bất kỳ tình huống nào xảy ra tại khu vực biên giới.

Bốn là, tạo điều kiện cho người dân ở khu vực biên giới phát huy quyền làm chủ của mình, đóng góp, cho ý kiến xây dựng các quy định liên quan đến quốc phòng, việc giữ gìn biên giới quốc gia tại nơi mình cư trú.

Vấn đề thứ ba, tại Điều 10 phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Dự thảo luật quy định khá rõ phạm vi phối hợp, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã, nơi có biên giới quốc gia. Theo đại biểu, còn một lực lượng rất cần thiết mà chúng ta cần phải phối hợp thì mới có thể bảo vệ tốt biên giới quốc gia, đó là cộng đồng dân cư tại khu vực biên giới. Đây chính là rào chắn, là phên giậu mà chúng ta phải dựa vào đó để bảo vệ thành công biên giới quốc gia. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung này và quy định vào trong dự thảo luật.

Vấn đề thứ tư, tại Chương IV quy định bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách thực thi đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng quy định tại Điều 25 về đảm bảo nguồn lực gồm 3 khoản. Đại biểu thống nhất với khoản 1, khoản 2, riêng khoản 3 quy định khuyến khích phát triển tài năng ưu tiên nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới để phục vụ lâu dài trong Bộ đội biên phòng. Đại biểu đánh giá quy định này rất hay, rất hợp lý nhưng chỉ phù hợp với khu vực biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới. Còn khu vực biên giới phía Tây Nam thì có một số tỉnh giáp biên giới nhưng không có đồng bào dân tộc sinh sống. Đại biểu đề nghị khoản 3 này Ban soạn thảo nghiên cứu và viết lại theo hướng nguồn nhân lực không giới hạn trong đồng bào dân tộc thiểu số mà mở rộng ra ở các khu vực biên giới./.

Minh Hùng