Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Về nội dung kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Trước thực trạng hiện nay có một số đối tượng lợi dụng các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy để sản xuất ma túy như sử dụng thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa chất ma túy, có chứa tiền chất để chiết xuất ma túy tổng hợp và trên thực tế chúng ta cũng đã phát hiện, bắt giữ được nhiều vụ như vậy thì việc cần phải quy định chặt chẽ việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là rất cần thiết. Do đó, đại biểu tán thành với việc bổ sung các quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định của dự thảo về vấn đề này vẫn có một số những bất cập:
Một là, về trách nhiệm quản lý nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường trong quy định tại chương quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy dự thảo đã bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Điều 46 và Điều 48. Tuy nhiên, trong chương này không có quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đối với việc kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Đáng lưu ý, luật hiện hành có quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như trách nhiệm của Bộ Công Thương liên quan tới việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy thì trong dự thảo này chúng ta lại bỏ đi. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích y tế thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Quản lý thuốc thú y có chứa ma túy hoặc tiền chất thì thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quản lý tiền chất sử dụng trong công nghiệp thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, của từng cơ quan để tránh trường hợp khi xảy ra vi phạm chúng ta không rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm quản lý.
Hai là, trong dự thảo trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm soát thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất. Tại Điều 16 dự thảo mới chúng ta lại sửa đổi theo hướng là các hoạt động nêu trên sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y. Trong khi đó khi kiểm tra lại Luật Thú y, kể cả Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thì các luật này không có một quy định nào quy định về việc kiểm soát các thuốc thú y có chứa chất ma túy hoặc tiền chất.
Hiện nay vấn đề này đang được quản lý theo Thông tư số 12 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất, tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc ban hành thông tư này là không có căn cứ pháp lý là do luật giao. Vì vậy đề đảm bảo Thông tư này có căn cứ pháp lý, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường luật cần phải có quy định là giao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm soát thuốc thú y có chứa chất ma túy cũng như tiền chất.
Về quy định việc lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi, tại Điều 34. Đại biểu cho rằng, khi đưa trẻ em, người chưa thành niên đi cai nghiện thì rất cần phải có ý kiến của cha, mẹ và người giám hộ trong hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, tuy nhiên trong hồ sơ đề nghị quy định tại điểm d khoản 1 Điều 34 tôi chưa thấy có nội dung này. Theo dự thảo thì cha, mẹ, người giám hộ chỉ được đọc hồ sơ khi hồ sơ đã lập xong, đại biểu đề nghị bổ sung trong hồ sơ đề nghị phải có ý kiến của cha mẹ và người giám hộ tại điểm d khoản 1 Điều 34, quy định này cũng tương tự như hồ sơ đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với quy định về cơ sở cai nghiện ma túy, theo quy định của dự thảo luật có 2 loại cơ sở cai nghiện ma túy là cơ sở công lập được quy định tại Điều 35, cơ sở tự nguyện quy định tại Điều 36. Đại biểu cho rằng, nội dung các quy định này có những điều bất cập như sau:
Thứ nhất là, đối với cơ sở công lập, dự thảo quy định phải có các khu dành riêng cho người chưa thành niên, người mắc bệnh truyền nhiễm, người gây rối; có phòng riêng cho nam, nữ. v.v., nhưng đối với cơ sở tự nguyện thì lại không đặt ra các yêu cầu này, tôi cho rằng đây là điểm bất hợp lý. Chẳng nhẽ đối với các cơ sở tự nguyện thì không cần những yêu cầu này sao, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc vấn đề này.
Thứ hai là, tại điểm e khoản 2 Điều 35 về khu dành cho người có hành vi gây rối trật tự vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là hơi cứng nhắc và gây khó khăn trong thực tiễn, vì trong cơ sở cai nghiện còn có các đối tượng phạm tội hình sự nhưng không phải chấp hành phạt tù, như là được hưởng án treo hay là truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hình phạt là cảnh cáo hoặc là phạt tiền hoặc là cải tạo không giam giữ thì vẫn phải đưa vào cơ sở cai nghiện này. Nếu chúng ta quy định chỉ có "khu dành riêng cho người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế mà chưa đến mức phải truy cứu hình sự" thì lại phải có một khu để dành riêng cho những đối tượng đến mức phải truy trách nhiệm hình sự nhưng không phải chịu hình phạt tù, ở mức hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc là phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Do đó đại biểu đề nghị bỏ đoạn "chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự" ở trong khoản này.
Về chấp hành hình phạt tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc, tại Điều 39. Trong dự thảo quy định "người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc và bị Tòa án xử phạt tù thì được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc". Theo đại biểu, đối với người bị phạt tù và phải thi hành án trong trại giam thì theo quy định trại giam sẽ phải áp dụng hình thức cai nghiện phù hợp cho họ. Tuy nhiên, đối với người tuy bị tuyên phạt tù nhưng được hưởng án treo thì theo quy định này họ cũng được miễn chấp hành cai nghiện thì tôi cho rằng như vậy mục đích cai nghiện ma túy không đạt được. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải quy định rõ là "bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo" thì trong trường hợp đó mới được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.