THẢO LUẬN TẠI TỔ 4: CÁC KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA NHIỆM KỲ KHÓA XIV SẼ TẠO TIỀN ĐỀ, NỀN TẢNG CHO NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV

25/03/2021

Tiếp tục chương trình làm việc Kì họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/03/2021, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4

Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tham dự phiên họp thảo luận tại tổ 4 gồm các tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, An Giang.

Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh giá cao Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội

Cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tình cho rằng, Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn, công khai, minh bạch, dân chủ trong thảo luận, tranh luận, qua đó tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội 

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngoài tiếp xúc cử tri thường niên, thường kì, các đại biểu Quốc hội còn tiếp xúc cử tri chuyên đề, gắn với thực tế địa phương, gắn với các chuyên đề do Quốc hội giám sát, có nhiều phương thức tiếp xúc cử tri để có thêm nhiều dữ liệu thực tiễn. Vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải gắn với địa phương. Từ đó nâng cao vị thế của các ĐBQH, tiếp xúc cử tri tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho cử tri. Đây là những đổi mới rõ nét, do vậy đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị nhiệm kỳ khóa XV cần quy định thành luật riêng về vấn đề tiếp xúc cử tri để đảm bảo tính pháp lý trong tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện hiệu quả, thảo luận kỹ lưỡng, có sự giám sát của cử tri, công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm tổ chức và thực hiện đúng quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét với 07 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân; cách thức tiến hành được cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội 

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đánh giá cao Báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và cho rằng nhiệm kỳ khóa XIV sẽ tạo tiền đề, nền tảng cho Quốc hội khóa XV trong thời gian tới.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết khẳng định, Quốc hội khóa XIV đã chú trọng việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời, triển khai nhiều đổi mới quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh như: không ban hành Chương trình cả nhiệm kỳ, mà tập trung xây dựng Chương trình hằng năm; tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo; kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp được thể hiện bằng văn bản, làm cơ sở, định hướng để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét, quyết định; các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường, ngày càng đi vào nền nếp; các hình thức thảo luận, lấy ý kiến được đổi mới, đa dạng, bảo đảm đúng quy trình, có chất lượng, tiết kiệm thời gian,...

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhận thấy, nhiệm kỳ 2016 -2021, hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành công chung của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Điểm nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng thể hiện ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn có sự đổi mới. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đánh giá cao sự điều hành phiên họp linh hoạt, hài hòa, khách quan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của các tư lệnh ngành đã thể hiện nắm chắc các vấn đề đại biểu đưa ra, tạo ra sự đồng thuận cao của cử tri trong các buổi chất vấn Chính phủ và các bộ ngành.

Việc Quốc hội áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức họp trực tuyến đã đáp ứng được yêu cầu trong thời gian dịch bệnh vừa qua, qua đó tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí, phù hợp với thực tiễn đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng đây cũng là bước đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, người đứng đầu Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị cần tổng kết đánh giá lại để tiếp tục phát huy những kết quả này trong nhiệm kỳ khóa XV.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang cũng đánh giá cao hoạt động giám sát, lựa chọn chủ đề giám sát của Quốc hội và các Ủy ban phù hợp trong từng giai đoạn, từ đó đúc kết lại và có giải pháp giải quyết vấn đề giám sát hiệu quả hơn. Thông qua hoạt động giám sát đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, pháp luật, tiếp tục phát huy những việc làm tốt, kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, làm cơ sở cho việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ

Cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đồng tình nhất trí cao với Báo cáo này, đồng thời khẳng định vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, huy động và giải phóng mọi nguồn lực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và trung hạn, vừa tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững trong dài hạn.

Đại biểu Vũ Xuân Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho ý kiến về các Báo cáo tại phiên thảo luận tại tổ 4

Các ý kiến đại biểu đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ nêu ra. Đó là tình trạng đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai thi hành pháp luật có lúc có nơi còn chậm. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Do dịch Covid-19, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống. Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa gắn với việc tiếp, đối thoại giải quyết với công dân.

Các đại biểu hy vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước

Cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước

Cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nhất trí và đánh giá cao Báo cáo, đồng thời khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước đã tham gia các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nhấn mạnh, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 02 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước kịp thời, đúng quy định, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống. Nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ, vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Qua thực tiễn các chuyến công tác cơ sở, thăm, làm việc với các ban, bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch nước đã tham gia ý kiến với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ lớn mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của bộ máy hành pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương; định hướng, trao đổi, tham gia ý kiến với Chính phủ và các địa phương về việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và những vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm.

Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền; trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn, gia nhập một số điều ước quốc tế quan trọng liên quan đến biên giới quốc gia, hợp tác thương mại, đầu tư... được tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua./.

Bích Ngọc - Bùi Hùng