TỔ 8 THẢO LUẬN VỀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

22/07/2021

Đại biểu Quốc hội tại Tổ 8 đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển KT-XH trong 5 năm 2021-2025. Trong đó nhấn mạnh đến việc cần có thêm những giải pháp hữu hiệu hơn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất và người dân ổn định cuộc sống do tác động của đại dịch Covid-19.

Chiều ngày 22/7, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại Tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.

Tổ 8 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên, Kon Tum. Dưới sự điều hành của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung trên. Đa số các đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 cũng như các giải pháp thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.


Các đại biểu tại Tổ 8 thảo luận.

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng báo cáo của Chính phủ đã đánh giá những thành tựu cũng như hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát nhưng Việt Nam đã có nhiều biện pháp để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh một cách rất tích cực. Đời sống của nhân dân vẫn được cải thiện, các lĩnh vực an ninh quốc phòng vẫn được giữ vững.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, trong giai đoạn 2016-2021 có nhiều chỉ tiêu đạt được nhưng có chỉ tiêu chưa đạt được như chỉ tiêu về phát triển năng lượng, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật chưa đạt được như mong đợi. Sự tăng trưởng kinh tế và mức sống giữa thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch. Cử tri mong đợi trong nhiệm kỳ tới có giải pháp hữu hiệu hơn và mong rằng, Chính phủ có những giải pháp linh hoạt, kịp thời để đảm bảo sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đề xuất thêm giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2021 và trong 5 năm tới, đại biểu Phan Đức Hiếu- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đề cập tới việc thảo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó kiểm soát nhưng trong 6 tháng đầu năm 2021, một số ngành công nghiệp, công nghệ có tăng trưởng cao nhưng tăng trưởng của ngành dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa lại giảm. Đại dịch Covid-19 cho thấy, chúng ta có đơn hàng nhưng không sản xuất được sản phẩm ra thị trường do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và phải đình trệ do nghỉ dịch. Vì vậy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần rõ ràng hơn. Ví dụ như yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra dịch Covid-19 khi lưu thông hàng hóa thì kết quả phải được công nhận giữa các tỉnh, thành. Kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh phải được công khai, minh bạch để để người dân và doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh và bảo vệ cho người lao động. Ngoài ra, Chính phủ nên miễn một số loại thuế, tạm giãn các khoản thu cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh.


Đại biểu Quốc hội tại Tổ 8 đóng góp ý kiến.

Đứng ở góp độ khác, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho rằng ngoài việc tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thì cần quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội cho lao động phi chính thức, đồng bào dân tộc thiểu số đến các tỉnh, thành làm việc…

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, dịch bệnh Covid-19 diễn ra vào giữa tháng 3 và tháng 7 khác nhau vì có những chủng virus mới xuất hiện nên rất khó kiểm soát. Nếu phải chung sống với dịch bệnh thì mục tiêu chống dịch phải như thế nào để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhưng vẫn kiểm soát, phòng chóng dịch bệnh tốt là vấn đề cần tính tới trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021-2025. Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý để doanh nghiệp tồn tại, thích nghi trong tình hình diễn biến khó lường với nhũng chủng virus dịch bệnh mới.

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, đại biểu Lê Anh Công- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên quan tâm đến công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri liên quan đến vấn đề đất đai, người dân bị thu hồi đất.

Theo đại biểu Lê Anh Công, cần hoàn thiện thể chế và có những giải pháp hữu hiệu để người dân yên tâm ổn định cuộc sống cũng như tạo việc làm, sinh kế lâu dài, cho họ khi phải di dời đi nơi khác bên cạnh hỗ tiền đền bù giải phóng mặt bằng.  

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo của Chính phủ cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cần phải đặt ra những việc đã làm được cũng như những việc chưa triển khai được, đặt sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cần có thêm những giải pháp hữu hiệu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, người dân ổn định cuộc sống./.

Bích Lan-Bùi Hùng