Toàn cảnh Phiên thảo luận tổ
Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lai Châu, Hải Dương và Thừa Thiên Huế. Đồng chí Lê Trường Lưu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế điều hành Phiên thảo luận tổ.
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.
Tiêm vắc-xin sẽ là giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch
Phát biểu tại Phiên thảo luận tổ, đại biểu Phạm Như Hiệp - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Thanh Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu và các đại biểu nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, trong những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng mạnh ở một số quốc gia, đặc biệt tại khu vực Châu Á. Trong nước, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương, tính chất phức tạp hơn, số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế; nhiều trường học phải cho học sinh nghỉ học hoặc dạy học dưới hình thức trực tuyến; các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu
Các đại biểu cũng có chung đánh giá, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hướng tới triển khai chiến lược vắc-xin, tạo miễn dịch cộng đồng, được sự đồng thuận, nhất trí của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe Nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc thống nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp để có vắc-xin sớm nhất. Việc mua vắc-xin được xử lý theo các quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay. Đồng thời, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; toàn thể Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng lòng, đồng hành và chia sẻ, đóng góp vào Quỹ vắc-xin để cùng nhau chiến thắng đại dịch.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, cần quán triệt thực hiện nghiêm hơn nữa các quy định phòng chống dịch; đẩy nhanh quá trình sản xuất, thử nghiệm và sử dụng vắc-xin trong nước Nano Covax do Học viện Quân Y sản xuất. Kiên trì đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, khôi phục và phát triển kinh tế. Đồng thời các đại biểu cũng cho rằng cần quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc-xin, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% trong thời gian sớm nhất, tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng. Vì tiêm vắc-xin sẽ là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định và cần duy trì hằng năm để thoát khỏi đại dịch.
Thực hiện tốt các giải pháp để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội trong những tháng cuối năm
Tại Phiên họp tổ, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về các giải pháp để tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, mực tiêu phát triển kinh tế, xã hội những tháng cuối năm đã đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận tổ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường quan tâm đến nhóm giải pháp về tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistic, giao thông, năng lượng. Đặc biệt là việc quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm gắn kết, hiệu quả. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án bằng nguồn vốn nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho ý kiến
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ ra rằng, các phương thức vận chuyển phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay là đường sắt, đường thuỷ, đường bộ và đường hàng không. Vì vậy giải pháp quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hệ thống cảng hàng không, sân bay bảo đảm gắn kết, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong những tháng cuối năm. Việc nghiên cứu quy hoạch tốt sẽ phát huy hiệu quả từng phương thức vận tải. Các phương thức kết nối tốt sẽ tập trung vào phát triển kinh tế liên kết vùng tốt.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích thêm, vận tải đường thuỷ là phương thức vận chuyển có tổng chi phí thấp nhất; thích hợp với những hàng hóa cồng kềnh và hàng đổ rời trên các tuyến đường trung bình và dài. Do đó, quy hoạch mới ưu tiên tận dụng hiệu quả lợi thế của vận tải đường thủy, đặc biệt là vận tải thủy nội địa vì đây là phương thức vận tải vừa có năng lực lớn vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Hơn nữa đây là loại hình vận chuyển đồng bộ theo không gian hành chính và theo các ngành, các lĩnh vực, giúp quá trình phát triển hạ tầng cảng biển nói riêng và kết cấu hạ tầng nói chung của nước ta bảo đảm tính tổng thể, liên kết cao.
Cho rằng thực hiện pháp luật một cách đồng bộ, hiệu quả sẽ là giải pháp nền tảng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, chỉ ra rằng, hệ thống pháp luật của nước ta so với thế giới đang không ngừng được hoàn thiện, cơ bản đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên công tác phổ biến pháp luật tới người dân và khâu triển khai thực hiện pháp luật trong thực tế vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Do đó, đại biểu mong muốn trong thời gian tới, công tác phổ biến pháp luật phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương./.