ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ LÀM VIỆC VỚI SỞ VĂN HOÁ VÀ THỂ THAO TPHCM

09/03/2022

Sáng 09/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM về “Việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 -2021”.


Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi giám sát.

Báo cáo tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cho biết, trong 5 năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được sở tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi với sự tham gia của tất cả công chức và người lao động cơ quan nhằm góp phần ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của cơ quan sở.

Bên cạnh đó, sở tăng cường công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến công chức, người lao động, thực hiện quản lý chặt chẽ thu - chi ngân sách, đảm bảo thực hiện tốt dự toán ngân sách nhà nước có tiết kiệm, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán Ngân sách nhà nước để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh các khoản khoán chi hành chính, tăng thu nhập cho công chức và người lao động của cơ quan. Đồng thời, hạn chế tối đa chi bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước; thực hiện tinh giản biên chế hành chính theo lộ trình và quyết định của cấp thẩm quyền; triển khai công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2016 - 2021, sở đã lập, thẩm định, triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể, sở đã hoàn thành, đã đưa vào sử dụng như: Dự án tượng đài Bác Hồ, Bác Tôn, đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng, đem lại hiệu quả cao trong việc giáo dục truyền thống cách mạng; Dự án xây dựng Bia tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập đã đưa vào vận hành; Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên đã đưa vào vận hành sử dụng. Đến nay công trình hoạt động tốt, bảo tồn được di tích, giữ được nét cổ kính mang phong cách dân gian, là điểm đến tham quan của khách du lịch và Phật tử.

Bên cạnh đó, dự án phục dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Hanh Phú đã bàn giao cho Ban Quý tế đình Hanh Phú quản lý đưa vào vận hành sử dụng; Dự án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình đã nghiệm thu và tổ chức khánh thành vào ngày 17/5/2015; Dự án trang bị các trang thiết bị lưu trữ và trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác lưu trữ các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng ngày 30/12/2017.

Về việc rà soát, sắp xếp lại tài sản công, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận cũng cho biết, các đơn vị thuộc sở đã thực hiện sắp xếp lại tài sản công đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sở Văn hóa và Thể thao hiện được giao quản lý các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trọng điểm của TPHCM. Hàng năm phục vụ hàng triệu lượt khách đến tham quan, học tập, vui chơi, giải trí, rèn luyện thân thể, tập luyện và thi đấu. Tiêu biểu như: Nhà hát TPHCM, Thư viện Khoa học Tổng hợp, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng TPHCM; Các cơ sở thể dục thể thao cấp quốc gia, thường xuyên được giao đăng cai tổ chức các sự kiện lớn, các giải thi đấu quốc tế…

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận phát biểu tại buổi giám sát.

Theo đồng chí Trần Thế Thuận, với đối tượng phục vụ không chỉ là người dân TPHCM mà còn là cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó, để thực hiện tự chủ tài chính và đáp ứng nhu cầu của người dân, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã tận dụng phần diện tích dôi dư, chưa sử dụng hết công suất để tổ chức các hoạt động dịch vụ bổ trợ phù hợp với không gian, đặc trưng chức năng của từng thiết chế.

Tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận kiến nghị Sở Tài chính thẩm định và trình UBND TPHCM phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập của các đơn vị thuộc sở; kiến nghị Sở Tài chính thẩm định và trình Ban Chỉ đạo 167 phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Sở Văn hóa và Thể thao theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM đã thực hiện hiệu quả trong việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 -2021. Đồng chí đề nghị sở tiếp tục thực hiện các giải pháp làm tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại sở và các đơn vị thuộc sở, trong đó có giải pháp quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công tại đơn vị thuộc sở và tại sở.

Theo đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, sau giám sát, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tổng hợp các kiến nghị để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nội dung liên quan đến trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị TPHCM quan tâm giải quyết đến việc quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả tài sản công tại đơn vị sự nghiệp. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM rà soát các giải thưởng, các mức chi cho thể thao và kiến nghị TPHCM để trình HĐND TPHCM trong khả năng cho phép của HĐND TPHCM nâng mức các giải thưởng, các mức chi cao hơn so với Trung ương.

Đối với tuyển dụng công chức, viên chức, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị sở rà soát các quy định sửa đổi liên quan đến tiêu chuẩn tuyển dụng đối người làm nghệ thuật, kiến thức về nghệ thuật để tham mưu cơ chế chính sách, duy trì loại hình này để kiến nghị Trung ương về một số chính sách đặc thù cho các loại hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, kiến nghị với TP bố trí đủ vốn để bảo tồn các di tích được công nhận, được xếp hạng trên địa bàn TP kịp thời không để tổn hại nhiều và mất các di tích này.

(Theo Trang TTĐT Đảng bộ TPHCM)

Các bài viết khác