ĐOÀN ĐBQH LÂM ĐỒNG TIẾP TỤC GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

15/03/2022

Sáng 15/3, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.


Ông Nguyễn Tạo – Trưởng Đoàn giám sát kết luận tại buổi giám sát

Chương trình giám sát được thực hiện theo Nghị quyết 266/2021/UBTVQH15 ngày 05/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát năm 2022 và kế hoạch chi tiết số 276/KH-ĐGS ngày 24/10/2021 của Đoàn giám sát – Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Buổi làm việc dưới sự chủ trì điều hành của ông Nguyễn Tạo – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, trưởng đoàn giám sát. Cùng tham dự đoàn giám sát có các ĐBQH: K’ Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh, thành  viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH. Cùng tham dự buổi giám sát có các đơn vị Công an tỉnh Lâm Đồng, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh, đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Chương trình giám sát xoay quanh các nội dung về việc ban hành pháp luật, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nêu trên về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm bắt những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện; đánh giá kết quả thực hiện pháp luật về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện công tác rà soát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, đông người; công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác ứng dụng công nghệ thông tin.

Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và đề xuất giải pháp, cách thức nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác này.

Đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng báo cáo tại buổi giám sát

Tại buổi giám sát, các đơn vị Công an tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo tóm tắt với Đoàn giám sát về những nội dung liên quan. Thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi đối với các đơn vị được giám sát về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo. Việc giải quyết đơn thư còn chậm trễ, số lượng đơn phát sinh về việc sớm được nhận tài sản bán đấu giá còn chậm trễ chưa trả lời dứt điểm, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đề nghị cần sự phối hợp cụ thể, kiến nghị các vị ĐBQH, Đoàn ĐBQH kiến nghị Trung ương trong hoàn thiện pháp lý xây dựng quy định trách nhiệm pháp lý cụ thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh để người dân lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gửi đơn thư kéo dài. Đề nghị cần điều chỉnh bổ sung chặt chẽ hơn trong ràng buộc trách nhiệm  giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Nghị quyết 759 ban hành năm 2014 quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan khi tiếp nhận đơn thư… 

Thành viên Đoàn giám sát kiến nghị cần phân định rõ phân loại đơn thư tham mưu tốt cho lãnh đạo các cơ quan tư pháp về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tốt hơn. Cách tuyên truyền về pháp luật liên quan khiếu nại, tố cáo cũng cần đổi mới, tăng cường tập huấn về tố tụng, các vụ giải quyết theo thủ tục hành chính, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ phụ trách công tác tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với người khiếu nại, tố cáo kéo dài, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây khó khăn cho các cơ quan.

Thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề và đề xuất giải pháp tăng cường thực thi pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo đánh giá, nhìn chung công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan tư pháp quan tâm thực hiện bám sát và quán triệt đầy đủ đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, như: Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong 5 năm qua, các cơ quan đã tiếp 5.717 lượt công dân với 7.841 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua báo cáo tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo được gửi đến các cơ quan tư pháp cơ bản được giải quyết đạt tỷ lệ 100%; không phát sinh các đoàn đông người, phức tạp; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng chặt chẽ, qua đó đã góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo hạn chế phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. 

Đoàn giám sát cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế của các cơ quan thực thi pháp luật về lĩnh vực này như: Tình trạng chưa phân biệt được sự khác nhau giữa trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực hành chính với lĩnh vực tố tụng hình sự; còn nhầm lẫn thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước về ăn ninh trật tự với xử lý tin báo, tố giác tội phạm; một số đơn khiếu nại về hoạt động tố tụng hình sự giải quyết còn chậm, để kéo dài. Cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thường xuyên được điều động, chuyển đổi vị trí công tác nên việc đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời đáp ứng yêu cầu.

Việc chậm tổ chức thi hành án, việc ban hành các quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, nhất là việc thực hiện kê biên, xử lý, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản của chấp hành viên, công chức thi hành án cũng là nguyên nhân phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo.

Qua báo cáo cho thấy tình trạng số vụ việc không thuộc thẩm quyền của các cơ tư pháp rất lớn từ đó cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa tổ chức được nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hình thức tuyên truyền chưa phong phú đến các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, do tình hình, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong kỳ cũng ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Toàn cảnh buổi giám sát

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Tạo – Trưởng Đoàn Giám sát nhấn mạnh: Thống nhất cao với các báo cáo của các cơ quan tư pháp về việc thực hiện pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, cần tăng biên chế cho các vị trí điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, cán bộ của Tòa án Nhân dân để đảm bảo thực thi nhiệm vụ tốt hơn. Tăng thêm thẩm quyền cho công an xã trong tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, kiến nghị sớm Bộ Công an. 

Đây là vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung sớm các luật liên quan đến công tác thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo liên quan giữa Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm.  

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan tư pháp và của thành viên Đoàn giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng sẽ ghi nhận, tổng hợp để kịp thời có ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xem xét, nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thời gian tới. 

(Theo Báo điện tử Lâm Đồng)