Theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên của đất nước; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Do phạm vi giám sát rộng, tại phiên họp thứ ba tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giới hạn lại, Đoàn Giám sát chỉ tập trung giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước và quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên. Mặc dù đã giới hạn nội dung nhưng qua tập hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty thấy rằng các nội dung Đoàn tập trung trọng tâm giám sát cũng còn rất lớn, thông tin số liệu nhiều, yêu cầu tập hợp trong thời gian rất dài nên các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng còn đang rất lúng túng. Số liệu báo cáo còn thiếu nhiều và chưa thống nhất.
Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát cũng đã nêu rõ những nhận định, đề xuất về các nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức giám sát, phương pháp tiếp cận. Đoàn dự kiến sẽ tổ chức làm việc với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, 13 Bộ và 6 địa phương. Ngoài ra, Đoàn sẽ tổ chức một số tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo Đoàn hoặc các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban là thành viên của Đoàn làm tổ trưởng, phối hợp với một số cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan để tổ chức khảo sát việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai kém hiệu quả tại một số địa phương.
Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”
Tại Phiên họp cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các nội dung như: những vấn đề nổi lên qua bước đầu tổng hợp báo cáo của Đoàn giám sát. Việc bám sát phạm vi giám sát các ngành, các lĩnh vực, các đối tượng giám sát và thời gian giám sát như trong báo cáo; thông tin, số liệu để làm căn cứ đánh giá, nhận định về chất lượng báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát, việc khắc phục tình trạng báo cáo kém chất lượng, nội dung thông tin, số liệu sơ sài của nhiều bộ, ngành, địa phương để đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát; kết quả bước đầu qua nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, việc ban hành chính sách, pháp luật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán và xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất cách tiếp cận hiệu quả đối với chuyên đề giám sát rộng…
Tham gia thảo luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, báo cáo tương đối sát với đề cương và đi vào những vấn đề tương đối chi tiết, chỉ còn lại vấn đề số liệu và nhận xét, đánh giá về từng lĩnh vực xem ở mức độ đạt được như thế nào thì cần thời gian trong quá trình tổng hợp số liệu và cập nhật thông tin. Để dễ theo dõi và thiết kế một cách khoa học, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện, các cần quan tâm làm rõ các mô hình, cách làm hay, cách làm hiệu quả, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm và chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền trong việc ban hành và thực hiện pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu
Đồng thời, kế hoạch chi tiết giám sát cũng đặt ra đối với yêu cầu về giám sát, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí cần đánh giá mức độ đạt được mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, lượng hóa được tối đa số liệu và giá trị tiết kiệm, thất thoát, lãng phí, từ con số mới ra được các nhận định. Đối với giám sát nội dung này, con số rất quan trọng, số liệu rất quan trọng. Nếu chúng ta không có số liệu thì nhận định sẽ không sát thực tế. Do vậy, đề nghị hết sức quan tâm đến việc lượng hóa, mức độ đạt theo kế hoạch cũng như các giá trị đối với những nội dung liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, mục tiêu cuối cùng của giám sát là thấy được những số liệu để chúng ta chứng minh, để khắc phục những tồn tại, hạn chế. Vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đều là những con số biết nói, chứ không thể chung chung, đưa ra thì phải có tính thuyết phục. Mọi lý giải phải đảm bảo "nói có sách mách có chứng", cụ thể ở ngành nào, ở chỗ nào, ở địa phương nào cần khắc phục... Do đó, phải quyết liệt, quyết tâm thì chúng ta mới có một báo cáo đảm bảo đầy đủ, chất lượng để làm sao nêu lên được tính chính xác, thực chất, toàn diện, bám vào vấn đề yêu cầu của đoàn đặt ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận
Kết luận nội dung Phiên họp liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả bước đầu và dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn giám sát trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu số lượng các địa phương cần đi giám sát cho bảo đảm có tính phổ quát, tính đại diện trong chuyên đề này. Đồng thời, đề nghị Thường trực Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ các mô hình hay, cách làm hiệu quả, cũng như tập trung lựa chọn những vấn đề nóng, trọng tâm, được dư luận quan tâm để tổ chức giám sát, chỉ rõ những thất thoát, lãng phí, đề cập đến trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước bằng việc chúng ta phải lượng hóa tối đa tình hình bằng số liệu, để có nhận định, đánh giá chính xác tất cả các lĩnh vực, nội dung giám sát.
Đồng thời, đề nghị Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với đoàn trong việc giám sát chuyên đề này. Các cơ quan căn cứ yêu cầu của Đoàn giám sát và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quốc hội để bổ sung đầy đủ các thông tin, số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát, đảm bảo có đầy đủ thông tin trước khi xuống làm việc với các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp báo cáo./.