CẦN CÓ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC XÃ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIIỆP ĐIỆN ẢNH

29/03/2022

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần có các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để để khắc phục khó khăn và sự tụt hậu của ngành điện ảnh Việt Nam.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật đã quy định Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời quy định cụ thể những nội dung Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; bổ sung một số chính sách so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 2.

Liên quan tới việc hỗ trợ các hoạt động điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, các nội dung quy định về chính sách Nhà nước được xây dựng và chỉnh lý trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành và yêu cầu thực tế nhằm khắc phục khó khăn, sự tụt hậu của ngành điện ảnh Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, rất cần có các chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đối với những chính sách liên quan đến ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, hiện nay, hoạt động điện ảnh tại Việt Nam đang cần có cơ chế hỗ trợ về tín dụng, thuế, đất đai nhằm thúc đẩy đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển. Do đó, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể tại các luật chuyên ngành trong thời gian tới để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại gắn với du lịch giải trí, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, góp phần phát triển du lịch, giải trí. Tuy nhiên, việc xây dựng trường quay hiện đại cần kinh phí lớn, trong tình hình hiện nay rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội. Do đó, dự thảo Luật cho phép trong từng trường hợp cụ thể Nhà nước có thể đầu tư hoặc hỗ trợ xây dựng.

 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đối với việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo lãnh, thế chấp quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm để phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, theo các quy định Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu trí tuệ cũng là một loại tài sản được dùng để bảo lãnh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, tại Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng quy định, trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự, trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này... Trên cơ sở đó, nội dung quy định tại dự thảo Luật là phù hợp với pháp luật dân sự, thể hiện quan điểm của Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các dịch vụ để khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài sản, quyền tài sản là quyền sở hữu trí tuệ để phát triển điện ảnh. Chủ trương này phù hợp với xu hướng của các quốc gia trên thế giới và phù hợp với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, có vốn đầu tư lớn, tính mạo hiểm và rủi ro cao.

Về việc phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, chính sách đào tạo đã được quy định tại Luật hiện hành, dự thảo Luật cũng đã thiết kế một điều riêng nhằm nhấn mạnh yếu tố quan trọng, thể hiện rõ hơn chính sách phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, khắc phục bất cập trong thực tiễn chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, đặc biệt là hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh.

Liên quan đến chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, quy định về chế độ ưu đãi được Chính phủ đề xuất trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, ý kiến của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động điện ảnh nhằm tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, dự thảo Luật Tổ quy định chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số ý kiến khác nhau, do đó Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến 02 phương án về việc giữ nguyên quy định trong dự thảo Luật và bỏ quy định trên để rà soát nội dung để bổ sung quy định khái quát về chính sách Nhà nước phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh./.

Minh Thành