LÀM RÕ TÍNH CẤP BÁCH CỦA VIỆC TRIỂN KHAI XÂY DỰNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC CHÂU ĐỐC - CẦN THƠ - SÓC TRĂNG (GIAI ĐOẠN 1)

20/05/2022

Tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung làm rõ hơn tính cấp thiết cần sớm đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy Dự án đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư công, hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Điều 20 Luật Đầu tư công, khoản 2 Điều 53 của Nội quy kỳ họp Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015).

Về sự cần thiết của dự án, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình số 156 nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, miền có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ về tính cấp bách và khả năng bố trí nguồn lực, tính toán đến những tác động của việc sử dụng nguồn lực đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với những vấn đề như: lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu. Đồng thời, theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự báo nhu cầu vận tải trong các giai đoạn sắp tới của tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng  là tương đối thấp. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tính toán lại, bổ sung làm rõ hơn tính cấp thiết cần sớm đầu tư của Dự án này để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư.

Toàn cảnh phiên họp

Về sự phù hợp của Dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt  và phù hợp với quy hoạch có liên quan. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, chiều dài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là 191 km, nhưng theo Tờ trình số 156 thì chiều dài tuyến là 188,2 km (ngắn hơn 2,8 km so với quy hoạch vừa được duyệt). Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát làm rõ, để bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các ngành, địa phương (Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng), đặc biệt là việc kết nối thuận lợi cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics…; lựa chọn phương án tuyến tối ưu, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Về hình thức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy do tuyến này dự báo có lưu lượng xe không cao nên thời gian hoàn vốn dài , vì vậy việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư là khó khả thi. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công cho Dự án là phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, theo Tờ trình số 156, Chính phủ đề xuất đầu tư phân kỳ Dự án với quy mô 4 làn xe và một số đoạn có bề rộng nền đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp) , chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5729 : 2012) về đường ôtô cao tốc. Do đó, một số ý kiến cho rằng quy mô đầu tư bề rộng nền đường 17m sẽ không bảo đảm an toàn giao thông khi khai thác và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn làm giảm hiệu quả đầu tư, vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần báo cáo cụ thể hơn về quy mô đầu tư phân kỳ và phương án mở rộng trong giai đoạn hoàn chỉnh của Dự án. 

Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.205ha, qua thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương để bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án.

Đồng thời, Chính phủ cần quan tâm và ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân chịu ảnh hưởng của Dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định  phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ về sự phù hợp nhu cầu sử dụng đất của Dự án và quy hoạch, kế hoạch đất của các địa phương thuộc phạm vi Dự án.

Về tác động của Dự án đối với tuyến đường hiện hữu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo Tờ trình số 156, bên cạnh những tác động tích cực khi Dự án đưa vào khai thác thì tác động tiêu cực sẽ làm giảm doanh thu của dự án BOT trên các tuyến quốc lộ hiện hữu song hành, cụ thể là dự án BOT Quốc lộ 91 song hành với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Thực tế, qua giám sát dự án BOT Quốc lộ 91 đang gặp rất nhiều khó khăn, thời gian qua là điểm nóng về an ninh, trật tự và chưa có giải pháp xử lý triệt để, do đó khi Dự án này được đưa vào khai thác thì phương án tài chính của dự án BOT Quốc lộ 91 sẽ không còn khả thi và khó có thể hoàn vốn cho các nhà đầu tư.

Hơn nữa, trong trường hợp Dự án chậm được nhượng quyền thu phí hoặc không thể nhượng quyền thu phí do không “hấp dẫn” được các nhà đầu tư (theo tính toán hiện tại thì Dự án này lưu lượng xe thấp) có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư BOT trên tuyến song hành và tác động tiêu cực đến việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn về sau. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ và có phương án cụ thể, đồng bộ để xử lý những tồn tại, hạn chế này.

Hồ Hương

Các bài viết khác