Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: X.H
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011), đã góp phần xây dựng và củng cố hệ thống khám chữa bệnh ở Việt Nam, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, góp phần tăng cường khả năng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, sau 11 năm thi hành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh bộc lộ một số bất cập về thời hạn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, phương thức cấp chứng chỉ hành nghề, về hình thức tổ chức hành nghề khám chữa bệnh, về khám chữa bệnh từ xa, về an ninh bệnh viện...
Do vậy, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết, nhằm tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh; bảo đảm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Ảnh: X.H
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 106 điều. Trong đó quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người bệnh (9 điều); người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (25 điều); cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (11 điều); các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (22 điều); khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (3 điều); áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh (2 điều)...
Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ lộ trình thay đổi khái niệm từ "chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" sang "giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh". Việc quy định hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (điều 20) có thể phát sinh các thủ tục hành chính. Ngoài ra, cần cân nhắc về thời hạn của giấy phép hành nghề...
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: X.H
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để trình lên Quốc hội, góp phần đảm bảo cho hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội đạt hiệu quả nhất.