THẢO LUẬN TỔ 11: TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ KHÁNH HOÀ ĐỘT PHÁ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KẾT NỐI VÙNG

24/05/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

 

Tại Tổ 11 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Nam, Cao Bằng, Bình Phước, Bạc Liêu.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa được xây dựng trên quan điểm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi trong thực tiễn. Nội dung đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị.

Dự thảo Nghị quyết dự kiến bố cục gồm 10 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Thảo luận về nội dung này, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành, thống nhất cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Các vị đại biểu cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững; phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định tầm nhìn Khánh Hòa đến năm 2045 là “thành phố đáng sống, thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh”

Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa, đa số các vị đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Một số ý kiến nhấn mạnh, quy định này hoàn toàn thiết thực nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc và nâng cao đời sống của nhân dân.

Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, Khánh Hòa có những đặc thù riêng với nhiều địa phương khác, đặc biệt đây là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, do đó cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập, quy định chi tiết việc thành lập, quy chế hoạt động của Quỹ và giao cho tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị, Chính phủ cần quan tâm đến hoạt động của Quỹ này để bảo đảm với mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, về phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay, các cảng cá lớn của tỉnh chưa thực hiện khai thác hết tiềm năng khi chủ yếu hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp nên vấn đề thu hút đầu tư rất khó khăn. Do đó, đề nghị, cần bổ sung chính sách thu hút đầu tư để vừa phát triển các khu cảng cá kết hợp với du lịch và bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Liên quan tới cơ chế chính sách đặc thù, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Bộ Chính trị đã có chủ trương đối với các tỉnh, vùng kinh tế đặc biệt và Quốc hội thể chế hoá chủ trương nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, mặt khác áp dụng thí điểm để áp dụng cơ chế chính sách nhằm tạo đột phá, hỗ trợ phát triển kinh tế ở các vùng có khả năng phát triển. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã đánh giá, tổng kết, cho ý kiến về tầm quan trọng đặc biệt, tiềm năng, sự phát triển của tỉnh Khánh Hoà trong việc kết nối vùng. Thực tiễn tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị cho thấy, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Khánh Hòa rất khó thực hiện được các bước đột phá để đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Đặc biệt, tỉnh Khánh Hoà có tiềm năng về phát triển kinh tế biển và khả năng phát triển các khu kinh tế. Mặt khác, Khánh Hoà là một tỉnh tự cân đối được ngân sách, do đó việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết để phát triển kinh tế cũng như kết nối vùng.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng nêu rõ, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cơ bản tương đồng với các Nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận, thông qua các cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng, Cần Thơ,…Đồng thời, cụ thể hoá Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung dự thảo Nghị quyết cũng đã được Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng. Các đại biểu cũng cho rằng, chính sách tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công không chỉ là chính sách thí điểm tại tỉnh Khánh Hoà mà còn là chính sách thí điểm để từ đó có cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy hiệu quả đầu tư công./.

Minh Thành - Nghĩa Đức