ĐBQH TRẦN ĐÌNH GIA: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHẠM VI CỦA CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH

25/05/2022

Tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể đối tượng, nội dung, phạm vi của chính sách ưu đãi phát triển điện ảnh.

 

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ sự thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị cần quan tâm thêm một số nội dung cụ thể.

Theo đó, về chính sách nhà nước phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh tại khoản 3 Điều 5 quy định Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật, đại biểu Trần Đình Gia chỉ nêu rõ, trong dự thảo Luật chưa quy định cụ thể đối tượng, phạm vi, nội dung để hưởng chính sách. Do đó cần phải xem xét, bổ sung quy định hoặc do các cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể nội dung này.

Về việc thay đổi nội dung phim tại Điều 28 dự thảo Luật cho phép tổ chức, cá nhân thay đổi nội dung phim. Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng tại điểm c, khoản 2 điều 9 quy định nghiêm cấm thay đổi làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim được cấp phép, phân loại hoặc quyết định phát sóng. Do đó, để đảm bảo thống nhất, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định trên thành thay đổi làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim được cấp phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của dự thảo Luật.

Đối với việc quản lý, cấp phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất phim, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc thẩm định kịch bản đầy đủ chỉ được thực hiện ở một số ít đất nước trên thế giới. Trên thực tế, hầu hết các phim này chỉ được thực hiện một vài cảnh quay ở Việt Nam.

Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, kịch bản sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định thì vẫn có thể thay đổi theo ý của đạo diễn. Việc thẩm định kịch bản, phân loại phim đầy đủ cũng không có cơ sở để khẳng định, kiểm soát hoạt động toàn bộ phim. Do đó, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với phương án chỉ cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đại biểu Trần Đình Gia nêu rõ, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 và Nghị định 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, tuy nhiên đến nay Quỹ vẫn chưa được hình thành. Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần này tiếp tục đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, vì vậy đại biểu đề nghị cần phải làm rõ lý do, nguyên nhân đến thời điểm hiện tại chưa thành lập Quỹ; đồng thời làm rõ các giải pháp để thành lập Quỹ, việc quản lý, sử dụng Quỹ để điều luật này có tính khả thi. Đại biểu cũng cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể để xây dựng, hình thành và phát huy giá trị của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh./.

Minh Thành