ĐBQH TRỊNH THỊ TÚ ANH: CẦN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐIỆN ẢNH

25/05/2022

Tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần huy động nguồn lực ở các thành phần kinh tế để phát triển nền công nghiệp điện ảnh cho đất nước.

 

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật đã bám sát bốn chính sách lớn. Theo đó, dự thảo Luật đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ phát hành, phổ biến phim Việt Nam. Cùng với đó khuyến khích thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị cần quan tâm tới một số vấn đề cụ thể. Theo đó, về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh tại Điều 6 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng việc quy định như trong dự thảo Luật được hiểu là việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực điện ảnh chỉ do một chủ thể thực hiện, đó là nhà nước. Điều này là chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập với thế giới. Đặc biệt để phát triển nền công nghiệp điện ảnh cho đất nước cần phải huy động được nguồn lực ở tất cả các thành phần kinh tế để đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, Điều 7 của dự thảo Luật, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp về điện ảnh cũng được xác định có nhiệm vụ đào tạo nguồn lực điện ảnh. Đặt vấn đề quy định này có mâu thuẫn với quy định tại điều 6 hay không, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần có sự thống nhất, đồng bộ giữa những điều, khoản trong dự thảo Luật.

Về quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất phim tại điểm b, khoản 1, Điều 10 có quy định cơ sở điện ảnh sản xuất phim được tham gia sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng việc sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước nghĩa là sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ đấu thầu hoặc đặt hàng, theo quy định trên vẫn còn một số điểm chưa rõ. Cụ thể, dự thảo Luật chưa quy định rõ đây là quyền của tất cả cơ sở điện ảnh thuộc các thành phần kinh tế, đặc quyền của cơ sở điện ảnh nhà nước hay các cơ sở điện ảnh có quyền tham gia sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng không nên quy định ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các cơ sở điện ảnh từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật.

Về cung cấp dịch vụ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 13, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ đồng tình với phương án quy định yêu cầu nộp kịch bản phim bằng tiếng Việt. Đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết để đảm bảo các nội dung yêu cầu về chính trị và an ninh quốc phòng. Đại biểu cũng nêu rõ, quy định như vậy có thể làm phát sinh thủ tục hành chính nhưng quy định như vậy là cần thiết để đảm bảo các yêu cầu về chính trị và an ninh quốc phòng./.

Minh Thành